"Sống xanh" có dễ?
"Sống xanh" dễ hay khó, phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mọi người - của bạn, của tôi.
Bạn tôi là một người thích "sống xanh". Một hôm, bạn mang chiếc hộp nhựa ra chợ, chìa ra mua ít riềng xay. Người bán hàng vẻ khó chịu hỏi: Mua được bao nhiêu mà đựng vào cái này? Bạn bảo, chỉ kho một nồi cá nhỏ nên không mua nhiều. Vậy là không cần đợi bạn tôi đồng ý hay không, người bán hàng gạt chiếc hộp nhựa ra, đổ riềng xay vào túi ni lông và đưa cho bạn. Bạn không biết nói gì, đành nhận lấy món hàng mà lòng buồn rười rượi. Đây không phải là lần đầu bạn gặp tình huống như thế, khi không tìm được người đồng cảm với mình về quan điểm "sống xanh". Về nhà, lên mạng xã hội Facebook, bạn kể lại câu chuyện và chốt lại bằng câu: Muốn "sống xanh" cũng khó!
Từ câu chuyện của bạn, tôi nghĩ đến việc phân loại và xử lý rác thải hiện nay của cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng vẫn còn nhiều bất cập. Tình trạng chôn lấp rác thải chưa qua phân loại, chưa được xử lý vẫn còn phổ biến. Một số nơi bãi rác đã đầy ứ nhưng địa phương vẫn loay hoay, chưa tìm ra biện pháp xử lý hiệu quả.
Nhằm thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Theo đó, muộn nhất đến ngày 31/12/2024, các tỉnh, thành phố tuyên truyền để người dân bắt đầu phân rác thành 3 loại. Loại thứ nhất là chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; loại thứ hai là chất thải thực phẩm; loại thứ ba là nhóm chất thải rắn sinh hoạt.
Việc phân loại rác tại nguồn nhằm tận dụng phế liệu tái chế, phân compost tự chế biến, giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Đáng nói là theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc này được các địa phương thí điểm ở quy mô cấp huyện, xã từ cách đây hơn 20 năm, nhưng không đạt kết quả cao.
Tại Hải Dương, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10/2023, toàn tỉnh có 11 huyện, thành phố, thị xã (trừ TP Hải Dương) thí điểm mô hình phân loại, xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ trong sinh hoạt. Có 2 địa phương là Nam Sách và Tứ Kỳ có 100% số xã, thị trấn thực hiện việc này. Các huyện, thành phố, thị xã còn lại có từ 1-5 xã, phường triển khai thực hiện. Như vậy, mục tiêu để 100% xã, phường, thị trấn ở Hải Dương thực hiện việc phân loại rác theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn còn khá xa.
Để có thể làm tốt việc phân loại rác thải, hướng đến lối "sống xanh" thì ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ý thức của người dân chính là yếu tố quyết định. Tôi từng có dịp tham quan một nhà máy sản xuất túi ni lông ở Nam Sách. Lãnh đạo nhà máy này giới thiệu công ty sản xuất rất nhiều túi ni lông tự phân hủy nhưng chủ yếu là xuất khẩu chứ ở Việt Nam lại không dùng mấy. Nguyên nhân là loại túi ni lông này đắt hơn loại không phân hủy. Mặt khác, dân mình nhiều người lại chưa có ý thức quan tâm đến việc bảo vệ môi trường lâu dài. Vị lãnh đạo này cũng thông tin thêm Nhật Bản là đất nước rất quan tâm đến vấn đề môi trường nhưng nhu cầu nhập khẩu túi ni lông tự phân hủy lại rất thấp, bởi họ có ý thức phân loại rác thải rất tốt.
Từ gợi ý này, tôi lên mạng tìm hiểu và hỏi thêm những người từng có thời gian sinh sống ở Nhật Bản về cách phân loại rác thải của người Nhật. Quả thật, cách làm của họ rất đáng ngưỡng mộ. Với phẩm chất cẩn thận và chu đáo, người Nhật có những quy định phân loại rác rất kỳ công. Họ không chỉ phân loại rác hữu cơ và vô cơ mà đã lên đến một mức độ cao cấp và tinh tế hơn rất nhiều. Họ phân chia rác thải sinh hoạt thành 8 loại, mỗi loại được đựng trong một thùng riêng biệt. Một số loại rác được phân tách rõ ràng ở Nhật gồm hộp kim loại, chai lọ thuỷ tinh, giấy, chai nhựa PET, nhựa, rác có thể cháy được, rác không cháy được, rác ngoại cỡ. Điều đặc biệt là người dân tuân thủ rất tốt những quy định này. Đó chính là lý do họ không cần đến túi ni lông tự hủy.
Đến đây, tôi nghĩ rằng chắc mọi người cũng giống như tôi, đã có câu trả lời cho câu cảm thán của bạn tôi ở trên. "Sống xanh" dễ hay khó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mọi người - của bạn, của tôi.