Tuổi 85 của nghệ sĩ Lê Mai
Nghệ sĩ Lê Mai nói trải qua nhiều thăng trầm nhưng bà luôn "cười to mà sống" trước mọi gian nan.
Khi có người quen tìm gặp Lê Mai, diễn viên Lê Khanh - con gái bà - sẽ dặn: "Ngày nào bà cũng ngồi ở quán nước đầu ngõ 20 Phan Đình Phùng". Đến nơi, thấy bà thủng thẳng uống trà, trò chuyện cùng vài người hàng xóm.
85 tuổi, nghệ sĩ luôn giữ phong thái thanh lịch, nhẹ nhàng và tinh thần thoải mái. Ngày đầu đông, bà mặc áo dạ hoa, đeo bờm tóc gọn gàng, thoa son môi nhẹ, theo thói quen ngày trẻ. "Từ xưa đến nay vẫn giản dị vậy, ấy thế mà hồi trước, có thời còn bị cơ quan nhắc là 'chị ăn chơi theo lối tiểu tư sản' '', nghệ sĩ cười xòa nhắc kỷ niệm.
Bà giữ sức khỏe tốt, hiếm khi phải gặp bác sĩ. Đôi chân bà, những năm trước thường đau mỗi khi trái gió trở trời, do di chứng một lần ngã xe máy vì bị cướp, giờ đi lại bình thường. Năm 2010, Lê Mai nghỉ đóng phim do không còn đọc được kịch bản. "Ấy vậy mà những năm gần đây, mắt tốt trở lại", bà nói. Thỉnh thoảng, mấy người trẻ trong xóm vẫn nhờ bà xâu kim.
10 năm nay, bà không còn lo chuyện cơm nước, chợ búa bởi con gái thuê người giúp việc. Lịch sinh hoạt của nghệ sĩ vì thế quanh quẩn giữa nhà và quán nước. Đi ăn sáng xong, bà vào hàng ngồi đến trưa, chiều 3 giờ ngủ dậy lại có mặt. Nhiều khán giả ngang qua, nhận ra Lê Mai, đến xin chụp ảnh, trò chuyện. Ngồi ở quán cả ngày, nhiều người còn tưởng bà mở hàng trà đá.
Chuyện bà mở quán nước là 16 năm trước. Hồi ấy, nghỉ đóng phim, ở nhà buồn chân buồn tay nên bà nghĩ việc để làm cho vui: "Chẳng có gì vất vả bởi nhà ngay trong ngõ, giờ lại có ấm điện. Vui lắm". Nhưng bán được vài hôm thì có cán bộ phường hỏi: "Bà thiếu gì tiền mà phải mở hàng". Lê Mai chạnh lòng, dẹp quán từ ấy.
Bà sống sát vách nhà con gái Lê Khanh, trong căn phòng hơn 20 mét vuông, treo đầy tranh ảnh. Đó là hình những vai diễn đầu tiên, ảnh chụp cùng gia đình các con, chân dung các em và cháu trai vẽ tặng. Bà thích xem hình, hồi tưởng về những năm tháng cũ. Nghệ sĩ dí dỏm: "Cô con gái Lê Vân hay trêu: 'Khi nào mẹ mất phải có hai áo quan, một cái mẹ nằm, còn một cái đựng ảnh".
Bà và gia đình nghệ sĩ Lê Khanh từng chuyển đến sống ở Phú Thượng (Tây Hồ) vài năm nhưng "chán quá lại phải về nhà cũ". "Nhà kia đẹp, bốn tầng, nhưng chẳng có ai để giao lưu, cổng đóng im ỉm, bạn bè qua chơi cũng khó", bà phân trần. Ở Phan Đình Phùng, con gái Lê Vân hay sang chơi, đưa bà đi dạo. Em trai bà là nghệ sĩ Lê Chức cũng thường qua tâm sự với chị.
Bạn bè trong nghề, bà hay gặp nghệ sĩ Kim Xuyến và Thanh Tú, vốn cùng Đoàn Kịch Hà Nội khi xưa. Có đợt, bà Xuyến sang chơi nhiều đến nỗi cậu cháu trai bốn tuổi của bà nhìn thấy liền buột miệng: "Lại Xuyến".
Nhắc đến người chồng cũ - nghệ sĩ Trần Tiến, Lê Mai nói lòng bà "lặng sóng" từ lâu. Ngày ông mất, bà cùng các con tiễn ông đoạn đường cuối trọn nghĩa tình. Khi cả hai chia tay năm 1971, ở tuổi 33, bà được ba người đàn ông hỏi cưới nhưng đều khước từ. Bà hay chối khéo những người tìm hiểu mình với lý do: "Nếu lấy chồng lần nữa, tôi vẫn lấy ông Tiến". Lê Mai thấy may mắn không đi bước nữa, kẻo các con lại vất vả, vướng bận.
Lê Mai nói được thừa hưởng tính cách lạc quan từ bố - nhà thơ Lê Đại Thanh. Năm 1958, ông bị quy kết có liên quan tới phong trào Nhân văn - Giai phẩm, buộc phải thôi việc ở Đoàn Kịch Trung ương. Gặp con gái đang bụng mang dạ chửa mà cũng mất việc làm, ông buồn nhưng vẫn cười rồi hỏi: "Ơ thế con bị đuổi rồi à? Bố cũng vậy".
Thời điểm khó khăn nhất, cả gia đình đều thất nghiệp, bị điều tra nhân thân, ông viết bài Di chúc. Nghệ sĩ Lê Mai nhớ từng câu từng chữ trong bài thơ của bố. Bà đọc: "Nếu tôi chết hỡi những người thân đừng nhỏ lệ/ Hãy ngâm với tôi một khúc ngắn thơ tôi/ Chết là trở về tinh thể sao trời/ Trả Trái Đất những gì vay mượn trước". "Ông viết vậy nhưng rồi có chết đâu, vẫn vui vẻ sống đến gần 90 tuổi", Lê Mai nói. Bà học được từ ông thái độ: "Dù cuộc đời có quật ngã mình đến đâu, cứ cười to mà sống".
Lê Mai mất việc hơn hai năm thì được nhận vào Đoàn kịch Hà Nội, gắn bó hai thập niên. Sau ba lần sinh nở, sức khỏe yếu, chỉ còn 34 kg, bà bị chuyển sang làm thủ quỹ. Không có tiền phụ cấp thanh sắc, thu nhập giảm, bà nhờ bạn ở nước ngoài mua giúp cái đầu máy khâu, ra chợ Đồng Xuân nhận đồ may vá để kiếm thêm. Có lần, may cả đêm, hàng xóm phàn nàn, bà phải mang máy xuống bếp. Trời nắng, phòng ẩm thấp, bà phải đội khăn ướt lên đầu chống nóng. Làm thủ quỹ được hai năm, Lê Mai xin nghỉ mất sức với đồng lương ít ỏi.
Tưởng như đi vào ngõ cụt nhưng đúng giai đoạn những năm 1980, khi phim ảnh bắt đầu phát triển, bà được đạo diễn Hà Văn Trọng mời đi đóng vai ăn mày trong Đứa con người hàng xóm. Từ đó, bà liên tiếp nhận phim, tiểu phẩm, cuộc sống bớt khó khăn. Bà cho biết: "Lương 1,6 triệu đồng nhưng đóng phim nhận thù lao một triệu đồng mỗi ngày. Tôi tích góp dần được 200 triệu đồng, mua được mảnh đất rộng hàng trăm mét ở Phú Thượng".
Nghỉ diễn 13 năm, Lê Mai nói không nhớ nghề bởi "gắn bó đủ lâu rồi". Bà ít xem tivi vì "phim thời nay làm chẳng giống ngày xưa, không hợp". Chỉ riêng phim của con gái Lê Khanh là bà vẫn chăm chú theo dõi.
Nhiều người nói Lê Mai vất vả, truân chuyên nhưng bà tự nhận "sướng chẳng ai bằng" khi có ba con gái xinh đẹp, thành đạt. Lê Khanh, Lê Vân, Lê Vi, đều theo nghệ thuật, có thành tựu riêng.
Nói về hơn 80 năm cuộc đời mình, bà tổng kết bằng hai từ "mãn nguyện: "Dù ở trong hoàn cảnh nào, tôi chưa từng oán trách số phận hay bất cứ ai, luôn cảm thấy hạnh phúc vì biết đủ".