Giá gạo Việt lập đỉnh mới, nguồn cung toàn cầu giảm mạnh
Giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng, thiết lập đỉnh mới 663 USD/tấn. Nguồn cung gạo toàn cầu năm sau được dự báo giảm mạnh 3,6 triệu tấn so với niên vụ trước.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, sau nhiều ngày ổn định ở mức 653 USD/tấm, giá gạo 5% tấm của nước ta bất ngờ bật tăng 10 USD/tấn trong phiên giao dịch hôm 21/11 lên mức 663 USD/tấn. Với mức giá này, gạo Việt chính thức lập đỉnh mới.
Hiện, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta đã tăng 190 USD/tấn so với ngày 1/2 năm nay, tương đương tăng 40,2%. Theo đó, giá gạo Việt cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan và Pakistan lần lượt 78 USD/tấn và 85 USD/tấn.
Giá gạo 25% tấm xuất khẩu của nước ta ổn định ở mức cao 648 USD/tấn, cao hơn hàng cùng loại của Thái Lan 107 USD/tấn, hơn hàng Pakistan 152 USD/tấn.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tính đến ngày 15/11, Việt Nam xuất khẩu gần 7,4 triệu tấn gạo, giá trị ước khoảng 4,16 tỷ USD - mức cao nhất kể từ năm 1989 tới nay. Gạo cũng trở thành mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu xếp thứ 4 của ngành nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ, thuỷ sản và rau quả.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm nay nước ta có thể xuất khẩu khoảng 8 triệu tấn gạo, kim ngạch dự báo đạt 4,5 tỷ USD.
Chuyên gia và doanh nghiệp nhận định, thị trường gạo trên thế giới tiếp tục sôi động dịp cuối năm và đầu năm 2024 do nguồn cung khan hiếm. Thế nên, giá gạo neo ở mức cao và khó giảm xuống dưới ngưỡng 640-650 USD/tấn.
Song, giá gạo Việt tăng quá cao chưa hẳn là lợi thế mà sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp không dám trữ hàng. Cùng với đó là nguy cơ mất thị trường do sức cạnh tranh của gạo Việt sẽ giảm so với các đối thủ.
Trong tháng 11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo tiêu thụ gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 thêm 1,6 triệu tấn lên mức kỷ lục 525,2 triệu tấn, do mức tiêu thụ ở Ấn Độ dự kiến sẽ cao hơn sau quyết định của chính phủ nhằm mở rộng các chương trình hỗ trợ lương thực.
Tổng nguồn cung gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 dự kiến đạt 692,6 triệu tấn, tăng 1,6 triệu tấn so với dự báo trước đó, song thấp hơn 3,6 triệu tấn so với niên vụ 2022-2023 và là năm thứ hai liên tiếp nguồn cung gạo toàn cầu giảm.
Sự sụt giảm nguồn cung toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 so với niên vụ trước là kết quả của việc tồn kho đầu kỳ giảm 8 triệu tấn xuống còn 174,8 triệu tấn, nhiều hơn mức tăng sản lượng 4,4 triệu tấn toàn cầu.
USDA cũng đã nâng dự báo thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 thêm 400.000 tấn lên 52,7 triệu tấn (chủ yếu là do xuất khẩu gạo của Brazil tăng), nhưng giảm khoảng 600.000 tấn so với ước tính 53,3 triệu tấn của năm 2023.
Chuyên gia nghiên cứu thị trường lúa gạo Phạm Quang Diệu cảnh báo, năm 2024 tồn kho của nước ta sẽ rất mỏng. Vì thế, các doanh nghiệp phải hết sức thận trọng khi ký hợp đồng giao xa. Bởi, ký hợp đồng nhiều nhưng không lường được nguồn cung hạn hẹp, tín dụng khó khăn, khi giá gạo bật lên doanh nghiệp lại gặp rủi ro.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, vụ đông xuân 2023-2024, dự kiến cả nước gieo trồng khoảng 3 triệu ha lúa, sản lượng dự kiến đạt 20,12 triệu tấn, tăng 113.000 tấn so với cùng kỳ năm 2022.
Về xuất khẩu gạo, ông lưu ý doanh nghiệp phải chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT… để nắm bắt kịp thời thông tin, dự toán được xu thế của thị trường lúa gạo.
Ví như Ấn Độ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo tẻ thường đến khi nào; tình hình sản xuất và xuất khẩu của Thái Lan, Campuchia, Pakistan ra sao… Nắm bắt được thông tin, doanh nghiệp có thể tính toán thời điểm ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo, giảm thiểu rủi ro về giá cũng như nguồn hàng, ông Cường nhấn mạnh.