Bí mật của những người thích bay nối chuyến
Với nhiều du khách, mục tiêu muốn đến không phải chặng cuối cùng trong hành trình bay mà là điểm dừng nối chuyến.
Bay thẳng thường đắt hơn nối chuyến. Nhiều người chọn nối chuyến để tiết kiệm chi phí nhưng không phải ai cũng lên chuyến may bay để tới chặng cuối cùng. Nhiều người đã dừng lại ở điểm transit vì đó mới là thành phố họ muốn đến.
Kathleen Bangs, cựu phi công và là người phát ngôn của FlightAware, một trong những nền tảng theo dõi chuyến bay lớn nhất thế giới, cho biết giá vé bay thẳng từ Minneapolis đến Miami, Mỹ là 500 USD. Nếu bay từ Minneapolis đến Florida, nối chuyến ở Miami, giá vé là 350 USD. Như vậy, nhiều người muốn tới Miami sẽ chọn phương án hai: đặt vé chặng Minneapolis - Florida nhưng dừng lại khi nối chuyến Miami và không lên chặng cuối cùng Miami - Florida. "Họ sẽ tiết kiệm được 150 USD", Bangs nói. Mẹo mua vé giá rẻ này được biết đến với thuật ngữ skiplagging.
Những người chọn cách bay này sẽ không ký gửi hành lý để tránh trường hợp vali được chuyển thẳng lên chuyến bay tiếp theo.
Amanda, nhân viên tiếp thị sống tại Texas, Mỹ, thường chọn cách này để tiết kiệm tiền vé trong các chặng bay quốc tế. Nữ du khách áp dụng với gần 10 chuyến bay, tiết kiệm 3.000-4.000 USD trong 3 năm từ 2021. Các hãng hàng không dường như vẫn chưa phát hiện ra việc bỏ chuyến của Amanda.
Khi được hỏi về việc có lo lắng khi bị phát hiện, Amanda trả lời "có". Dù vậy cô hy vọng không bị bắt gặp vì cách bay này "giúp ích cho tôi rất nhiều". "Tôi dự định bay tiếp kiểu này vào cuối tháng", nữ du khách Mỹ nói.
Những người dừng lại ở điểm nối chuyến và không bay hết chặng có thể đối mặt với hình phạt từ các hãng vận chuyển. "Nhưng hành động này không phạm tội hình sự", CNN cho biết.
"Bạn sẽ không phải ngồi tù. Các hãng bay coi đây là hành vi vi phạm các điều khoản, điều kiện mà bạn đã đồng ý khi đặt vé", Scott Keyes, người sáng lập trang web du lịch Going cho biết. Tuy nhiên, các hãng bay có thể sẽ phạt những người lách luật như cắt dặm thưởng đối với khách bay thường xuyên hoặc cấm bay, yêu cầu khách trả thêm giá vé chênh lệch.
Phil Dengler, đồng sáng lập trang web tư vấn du lịch trực tuyến The Vacationer, nói việc bỏ chặng cuối không phải mẹo mới mà đã xuất hiện từ lâu. Trên thực tế mẹo này được nhiều đại lý du lịch áp dụng như một cách giúp khách hàng mua vé giá rẻ.
Các hãng hàng không không thích điều này vì khách đang vô tình tạo thêm căng thẳng cho nhân viên mặt đất. Khi khách không lên máy bay, hãng bay sẽ phải mất thời gian tìm kiếm khách như cử nhân viên đi tìm quanh sân bay, gọi tên qua loa. Nhân viên tại quầy soát vé có thể trì hoãn việc đóng cửa để cố gắng đợi một người khách sẽ không bao giờ xuất hiện.
CNN gửi câu hỏi phỏng vấn đến 9 hãng bay lớn trên thế giới như American, Delta, United, Air Canada, British Airways, Emirates, Lufthansa nhưng đều không nhận được câu trả lời. Một số hãng bay khác nói rằng "không muốn nói nhiều đến chủ đề này" vì vô tình khuếch tán thông tin rộng rãi khiến nhiều người biết đến và thực hiện hơn.
Dengler "không khuyến khích du khách thực hiện cách bỏ dở chặng bay" vì "bạn đang mang lại cho bản thân và hãng bay quá nhiều rắc rối, căng thẳng". Dù vậy nhiều người vẫn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.
Amanda nói đó là cách duy nhất giúp cô bay các chuyến quốc tế thường xuyên khi cần. "Giá vé bây giờ tăng gấp 3-5 lần những năm trước khiến đôi khi chúng tôi không đủ tiền để đi du lịch", Amanda nói.