Làm gì để giải quyết dứt điểm khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực nhưng vẫn còn hạn chế.
Chính phủ cần chỉ đạo, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp, bức xúc, kéo dài.
Giải quyết khiếu nại ở cơ sở vẫn còn hạn chế
Đây là đề nghị của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng khi trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2023 trong phiên làm việc sáng 22/11 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhận định công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo năm 2023 tiếp tục có sự đổi mới, đạt kết quả tích cực. Cụ thể, dù số lượt, số vụ việc và số đoàn đông người tăng mạnh so với năm 2022 (tăng 37,7% số lượt, 33,3% số vụ việc, 27,2% số đoàn đông người), nhưng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn tổ chức thực hiện tốt.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, việc công dân trực tiếp đến các bộ, ngành để khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh tăng mạnh, nhất là về số lượng đoàn đông người (tăng 296%) cho thấy hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại tố cáo ở cơ sở còn hạn chế, tình hình công dân khiếu kiện lên các cơ quan ở Trung ương vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
Cũng theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua xem xét số liệu trong báo cáo cho thấy, việc trực tiếp tiếp công dân của thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện tốt nhất ở cấp xã (Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp xã trực tiếp tiếp 91%).
Đối với cấp tỉnh có chuyển biến tích cực khi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp tiếp 79%, cao hơn 2% so với năm 2022 (77%) và cao hơn 23% so với bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2021 (56%). Tuy nhiên, đối với cấp bộ chỉ đạt 60% theo quy định.
Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ lý do của việc bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân theo quy định của Luật Tiếp công dân để có giải pháp khắc phục, làm tốt hơn công tác này trong thời gian tới.
Về kết quả tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, báo cáo của Chính phủ cho thấy, so với năm 2022, số đơn do các bộ, ngành Trung ương tiếp nhận tăng gần gấp đôi (94,4%) trong khi ở các địa phương số đơn tiếp nhận chỉ tăng 22,6%.
Trong số đơn đã được xử lý, số đơn có đủ điều kiện xử lý chiếm tỷ lệ 76,8% (năm 2022 là 86,8%) và càng lên cấp cao hơn thì tỷ lệ này càng giảm (ở địa phương là 83,3%; ở bộ, ngành là 53,6%; ở Thanh tra Chính phủ là 39,3%).
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ lý do dẫn đến số lượng đơn thuộc trách nhiệm xử lý của bộ, ngành tăng cao, số đơn đủ điều kiện xử lý giảm để có giải pháp khắc phục phù hợp, bảo đảm hiệu quả, chất lượng của công tác tiếp nhận, xử lý đơn, giảm tải khối lượng công việc cho cán bộ, công chức làm công tác này.
Đề nghị trình Quốc hội danh mục vụ việc phức tạp, tồn đọng
Về kết quả giải quyết khiếu nại, báo cáo của Chính phủ cho thấy số khiếu nại có nội dung đúng chiếm tỷ lệ 17,2% và gần như không thay đổi so với năm 2022 (17,1%), nhưng số khiếu nại đúng hoàn toàn tăng 1,3%. Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, điều này cho thấy chất lượng giải quyết công việc của cơ quan nhà nước chưa thực sự có chuyển biến tích cực, có mặt còn kém hơn so với năm 2022.
Cũng theo ông Tùng, đối với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai, có 17,4% vụ việc phải hủy, sửa quyết định giải quyết lần đầu, tăng 0,8% so với năm 2022. Ông Tùng nhận định điều này cho thấy chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu của các cơ quan nhà nước chưa được cải thiện mặc dù đã có nhiều giải pháp được áp dụng. Theo đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá, làm rõ nguyên nhân để đề ra giải pháp khắc phục hiệu quả.
Trước thực trạng số vụ việc tố cáo tăng nhiều trong năm 2023, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng điều này cho thấy hoạt động của bộ máy hành chính công vụ còn không ít bất cập, người dân còn thiếu tin tưởng vào sự khách quan, công tâm của một bộ phận công chức, người có thẩm quyền trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp. Do đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để có giải pháp khắc phục hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần xác định rõ nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, quyết liệt hơn nữa để nâng cao chất lượng của công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo bổ sung, cung cấp số liệu cụ thể hơn về tình hình giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài; kết quả rà soát, giải quyết các vụ việc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đề xuất, kiến nghị của cơ quan khác có liên quan.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cũng đề nghị Chính phủ từ báo cáo năm sau cần trình Quốc hội kèm theo danh mục các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài để có cơ sở giám sát việc giải quyết.