Philippines hành động "đa phương" ở Biển Đông
Quân đội Philippines và Mỹ đã triển khai tuần tra chung ngày 21/11 tại vùng biển gần Đài Loan, động thái có thể thổi bùng thêm căng thẳng với Trung Quốc.
Động thái này được Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề Hàng hải và Luật Biển, nhìn nhận là một trong những cách để Manila thể hiện lập trường mạnh mẽ về Biển Hoa Nam (Biển Đông).
Củng cố chiếc ô an ninh
Các cam kết an ninh giữa hai nước đồng minh hiệp ước Philippines và Mỹ đã được đẩy mạnh trong năm nay, đáng chú ý là quyết định tăng gần gấp đôi số căn cứ trên lãnh thổ quốc gia Đông Nam Á này mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. gọi cuộc diễn tập chung trên không và trên biển dài 3 ngày trong tuần này là “sáng kiến quan trọng” nhằm củng cố năng lực phối hợp tác chiến song phương. Theo người phát ngôn của Bộ chỉ huy Bắc Luzon Eugene Cabusao, cuộc tuần tra sẽ bắt đầu ở Đảo Mavulis, điểm cực Bắc của Philippines, nằm cách Đài Loan khoảng 100 km. Cuộc diễn tập kết thúc ở Biển Tây Philippines, cách mà Manila gọi các vùng biển trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trên Biển Đông.
Quân đội Philippines thông báo ba tàu hải quân, hai máy bay hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công A-29B Super Tucano sẽ tham gia hoạt động, trong khi Mỹ triển khai một tàu chiến ven biển, một máy bay trinh sát hàng hải P8-A Poisedon.
“COC” mới?
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. mới đây tuyên bố Manila có ý định cùng các nước Đông Nam Á láng giềng như Việt Nam và Malaysia thảo luận một bộ quy tắc ứng xử riêng ở Biển Đông bởi quá trình đàm phán về hồ sơ tương tự với Trung Quốc không mấy tiến triển.
Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, thủ phủ của Hawaii ngày 18/11, Tổng thống Philippines nói: “Tình hình tại những vùng lãnh hải đang có tranh chấp ‘ngày càng thảm hại’ do thái độ lấn lướt ngày càng tăng của Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Bắc Kinh về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) lại rất chậm chạp, hạn chế”. Trong bài phát biểu, Tổng thống Marcos còn cho rằng Trung Quốc thậm chí cũng đang “để mắt” đến những bãi đá ngầm và vùng nước sâu “ngày càng gần” với bờ biển của Philippines.
Một ngày trước đó, tại San Francisco (Mỹ), sau cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) nhằm thảo luận về những biện pháp giảm thiểu căng thẳng tại những vùng biển có tranh chấp, Tổng thống Marcos cho biết cả ông và Chủ tịch Tập Cận Bình “đã nỗ lực tìm kiếm các cơ chế để hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông”, nhưng không nêu chi tiết.
Thực tế tình hình khu vực không những không được cải thiện như cam kết của Bắc Kinh cách đây một năm mà ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Một năm trước, trong cuộc họp ở Phnom Penh nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) “lịch sử”, Thủ tướng Trung Quốc khi đó là Lý Khắc Cường đã cùng với 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tái khẳng định tuân thủ “các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước về Luật biển 1982, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Đông Nam Á, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và nhiều nguyên tắc phổ quát khác được luật pháp quốc tế công nhận, làm nền tảng cho các tiêu chuẩn cơ bản cho mối quan hệ giữa các quốc gia”. Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Stanford, đánh giá tuyên bố này hàm chứa nhiều tham vọng hơn so với cam kết trong DOC năm 2002.
Nhà bình luận Sebastian Strangio của “The Diplomat”, chuyên gia về vùng Đông Nam Á nhận định lời kêu gọi của nhà lãnh đạo Philippines về một sự hợp tác mới trong khu vực phản ảnh rõ những thách thức mà ASEAN đang đối mặt trong việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. Bất chấp các nỗ lực từ 2002, khả năng ASEAN đạt được một thỏa thuận về COC mang tính ràng buộc sau các cuộc đàm phán với Trung Quốc là rất thấp. Một mặt vì ASEAN khó khăn dung hòa các lợi ích của 10 thành viên trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền và lãnh thổ ở Biển Đông. Mặt khác, Trung Quốc không thực tâm đàm phán để đi đến một thỏa thuận công bằng và mang tính ràng buộc.
Trong khi đó, một số nước Đông Nam Á chưa giải quyết được các đòi hỏi chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, cản trở việc hình thành một mặt trận thống nhất phản đối các đòi hỏi quá mức của Bắc Kinh. Một bộ quy tắc không chính thức giữa Việt Nam, Philippines và Malaysia có thể là tiền đề cho một giải pháp đối với những tranh chấp của các bên, cho phép đặt nền tảng cho một trong những sự thống nhất rộng lớn hơn trong khu vực về Biển Đông.
Trước một Trung Quốc chọn “vũ lực” để khẳng định các yêu sách, việc các nước khác đầu tư mọi nguồn lực ngoại giao trong đàm phán đa phương thu hẹp có vẻ hợp lý hơn là trong một khuôn khổ ASEAN vận hành theo cơ chế đồng thuận. Vấn đề nằm ở chỗ các nước có đủ “can đảm” để nắm lấy cơ hội này hay không.