Để thầy giáo không phải đi… buôn
Cho dù đưa dạy học thành ngành nghề kinh doanh có điều kiện, thì cũng không giải quyết được bức xúc do nạn dạy thêm, học thêm tràn lan mang lại.
Gần đây, một người bạn làm giáo viên của tôi kể, ở trường của cô ấy, rất nhiều thầy cô giáo có nghề làm thêm, mà phổ biến nhất là bán hàng online. Sở dĩ nhiều thầy cô chọn kinh doanh buôn bán bởi thu nhập chỉ trông vào lương thì không đủ trang trải cuộc sống gia đình mà dạy thêm thì vướng nhiều rào cản.
Thứ nhất, không phải giáo viên bộ môn nào cũng có cơ hội dạy thêm. Ví như các môn thể dục, giáo dục công dân…, rất ít học sinh có nhu cầu học.
Thứ hai, dù là các môn có nhiều học sinh muốn học thì cũng không phải thầy cô nào dạy thêm cũng có người học. Thầy dạy không giỏi, không hay, không hấp dẫn thì có mở lớp cũng rất ít học sinh theo.
Cuối cùng, cho dù thầy cô giáo có khả năng dạy, học sinh muốn học mà cơ quan quản lý nhà nước lại không cho phép dạy, thậm chí sẵn sàng xử lý kỷ luật nếu thầy cô vi phạm thì các lớp học thêm cũng không tồn tại được.
Thế nên để bảo đảm cuộc sống, mỗi người lại tìm cách làm thêm khác nhau từ vẽ tranh thuê, bán hàng online đến làm huấn luyện viên, thậm chí kinh doanh bất động sản…
Thực tế này tồn tại từ lâu, chẳng qua là mức độ phổ biến của trào lưu làm thêm mỗi thời mỗi khác. Tôi còn nhớ cách đây hơn 30 năm, khi tôi học THCS, cô giáo của tôi cũng làm thêm. Cô giáo tôi có nghề may và đến lớp thỉnh thoảng tôi lại nghe tụi bạn thì thầm to nhỏ rằng chiếc áo mới mà bạn A, bạn B mặc là may ở nhà cô. Cũng có đứa nghi ngờ rằng vì bạn hay may quần áo ở nhà cô nên được cô quý hơn các bạn khác, việc kiểm tra cũng được ưu tiên hơn…
Tôi biết cô giáo tôi không phải người như vậy. Bằng chứng là tôi chưa bao giờ “ủng hộ” việc làm thêm của cô bằng việc may quần áo, hay sau này khi cô mở lớp dạy thêm, tôi cũng không đến học, nhưng cô vẫn rất công bằng với tôi, thậm chí vẫn quý mến tôi như thường. Nói vậy để thấy, khi thầy cô giáo làm thêm, dù là dạy học hay kinh doanh thì vẫn có người cho rằng việc đó sẽ tác động tới phụ huynh học sinh, rằng họ sẽ vì việc học của con em mình mà ủng hộ việc làm thêm của thầy cô dù thâm tâm có thể họ không muốn. Trong khi trên thực tế, tôi tin rằng đa số thầy cô giáo làm thêm đều giữ tâm trong sáng, không vì học sinh không đến học hay không mua hàng của mình mà ghét bỏ, đối xử bất công với các em.
Tuần qua, Quốc hội lại nóng lên chuyện dạy thêm, học thêm. Có đại biểu cho rằng tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc dư luận, tạo áp lực lớn cho học sinh, nhất là học sinh tiểu học. Đại biểu cũng đề nghị đưa “dạy thêm” vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện với lý do bác sĩ có thể mở phòng khám thì giáo viên cũng có thể mở lớp dạy thêm để tăng thu nhập, đó là nhu cầu chính đáng…
Khi thông tin này được đưa ra, dư luận cũng xuất hiện nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người nhận định, cho phép dạy thêm và siết chặt quản lý là đúng, vừa tạo cơ hội cho giáo viên có thêm thu nhập, vừa có thể thu thuế, quản lý chất lượng các lớp học thêm. Người lại cho rằng làm như vậy là thương mại hóa giáo dục, là tạo điều kiện để thầy cô không dạy hết mình trên lớp, buộc học sinh phải đến lớp học thêm và những bức xúc do vấn nạn dạy thêm tràn lan vẫn chưa được giải quyết…
Ý kiến nào cũng có lý riêng. Là một phụ huynh có con đang tuổi đi học, tôi cho rằng điều quan trọng vẫn là định ra cơ chế chặt chẽ để quản lý chất lượng dạy học trên lớp, đổi mới thi cử để bảo đảm không cần học thêm học sinh vẫn vượt qua được các kỳ thi và quan trọng hơn cần tuyên truyền để các gia đình, nhà trường hình thành cho học sinh thói quen tự học, tự nghiên cứu. Ở góc độ khác, cần tăng lương cho giáo viên để họ toàn tâm với công việc dạy học trên lớp thay vì phải dạy thêm hoặc đi buôn.