Đời sống

Đi tìm ký ức chợ nổi An Bình

PHONG TUYẾT 26/11/2023 06:00

Chợ nổi An Bình từng là kế sinh nhai, nơi diễn ra cuộc mưu sinh sông nước đầy sóng gió của người Hải Dương trên sông Kinh Thầy.

61d962f8-7a6a-485b-afbe-1437dcdb6c9e.jpeg
Bà Nguyễn Thị Thuần ở xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) trở lại khu vực trước đây là chợ nổi trên sông Kinh Thầy nơi bà đã từng hơn 30 năm mưu sinh
Một thời sầm uất

Trên hành trình đi tìm ký ức chợ nổi An Bình, tôi về thôn An Đông, xã An Bình, huyện Nam Sách (Hải Dương) để hỏi thăm những người từng buôn bán lâu năm ở khu chợ này. Gọi là chợ nổi An Bình cũng vì chỗ họp chợ đông nhất là ở sông Kinh Thầy đoạn qua xã An Bình.

Được chỉ dẫn vào một ngôi nhà sâu trong con ngõ nhỏ ở thôn An Đông, tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Danh Chính (sinh năm 1957). Thoạt nhìn qua, tôi ấn tượng bởi ông bà dù tuổi cao nhưng rất nhanh nhẹn, hoạt bát và niềm nở, nhiệt tình đúng chất những người đã từng nhiều năm buôn bán, mưu sinh trên sông.

Kể về chợ nổi An Bình, ông Chính bảo nhớ nghề lắm. Vợ chồng ông Chính mới nghỉ việc buôn bán trên sông từ năm 2019. Ông bà là một trong những người đầu tiên ra chợ nổi buôn bán và cũng là những người cuối cùng trụ lại.

“Nhờ cái thuyền với ít hàng hoá kiểu buôn thúng bán mẹt trên sông Kinh Thầy ấy mà ngày xưa dễ kiếm tiền lắm. Cái nghề mưu sinh trên sông này đã nuôi sống cả gia đình tôi với 3 đứa con ăn học đầy đủ và được như hôm nay”, ông Chính tự hào chia sẻ.

cae17af8-9760-4d64-b74b-526b3c3bbea2.jpeg
Bà Thuần bồi hồi tái hiện cảnh mình cầm mớ rau đứng chông chênh trên thuyền ra hiệu bán hàng với tàu khách như trước đây

Ngày ấy, khoảng năm 1992 khi ông bà bắt đầu với cái thuyền chèo tay và mấy thúng hàng đơn sơ ra bán trên sông thì các con còn bé lít nhít. Giờ đây ai cũng đã có nghề nghiệp ổn định, yên bề gia thất, con cháu đuề huề.

Từ lúc bắt đầu mang thuyền ra chợ nổi buôn bán, vợ chồng ông Chính đều đặn dậy từ 4 giờ sáng cùng chuẩn bị hàng hoá rồi mỗi người đi một xe đạp chở qua đê ra bến trên sông Kinh Thầy, chuyển hàng lên thuyền rồi 5 giờ bắt đầu đi bán. Hàng hoá lúc ấy là rau, thịt, gà, chè, thuốc, mía, mì tôm rồi đủ thứ khác lấy ở trong làng ra.

Qua lời kể của ông Chính, thuyền cứ lênh đênh trên sông, thấy có tàu thì cầm mớ rau giơ lên, ra hiệu là mình bán hàng. Tàu nào cần mua hàng sẽ giảm ga, vẫy tay vào là mình hiểu ý chứ không cần nói vì trên sông có gọi to cũng không nghe thấy. Đây là tín hiệu riêng rất quen thuộc của người mua, kẻ bán trên sông lúc ấy. Khi có người mua thì ông Chính buộc cái dây thừng ở thuyền mình vào cọc bích neo tàu của người ta, tàu họ đến đâu thì thuyền mình theo đến đấy, bán hàng xong xuôi thì lại tháo dây ra, bám vào thuyền khác mua hàng.

a011f9de-d844-4852-affe-d3e9b419281c.jpeg
Thuyền đã bán sắt vụn vì để ngoài sông không trông nom được, bà Thuần chỉ còn giữ cái cân với mấy cái can đựng dầu và chiếc cầu sắt từng theo bà bao năm buôn bán trên chợ nổi

“Thời ấy, tàu thuyền chưa có tủ lạnh nên sáng sớm người ta mua đồ tươi sống nhiều thật, mình bán giá vừa phải nên cũng chẳng ai mặc cả bao giờ mà có nhiều khách quen thích lắm. Đi bán hàng trên sông thế mà vui”, ông Chính vui vẻ nhớ lại một thời buôn bán trên sông Kinh Thầy.

Khách hàng của chợ nổi An Bình bấy giờ chủ yếu là người trên các tàu chở than từ Quảng Ninh về Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại và tàu chở đá từ Kính Chủ (Kinh Môn) đi ra. Hồi cấm tàu để xây cầu Bình thì tiểu thương ở đây còn bán được cả buổi chiều vì có nhiều tàu nán lại trên sông chờ mở cửa.

Một vài người ở xã An Bình từng bán hàng ở chợ nổi ngày xưa cùng ngồi ôn lại kỷ niệm thì không ai nhớ chính xác thời sầm uất nhất chợ nổi có bao nhiêu tàu thuyền bán hàng ở đó nhưng đếm sơ trong thôn An Đông đã hơn chục thuyền, có nhà cả 3 anh em ruột cùng sống bằng nghề buôn bán trên khúc sông này, có cả vợ chồng ở thôn Linh Khê, xã Thanh Quang (cùng huyện Nam Sách). Ngay như nhà ông Chính cũng cả 2 anh em trai cùng bám nghề trên chợ nổi thời thuyền bè tấp nập, buôn bán sầm uất dễ ra tiền.

Cuộc mưu sinh sóng gió

33e53021-2017-4d67-b667-80ac9981a4e0.jpeg
Ông Nguyễn Danh Thập ở xã An Bình khoe chiếc đèn pha của thuyền ông dùng lúc đi bán hàng sáng sớm mà ông vẫn giữ lại làm kỷ niệm

Lên thuyền để bán hàng trên sông Kinh Thầy nghe có vẻ êm đềm nhưng thực ra là cuộc mưu sinh sông nước đầy sóng gió mà không phải ai cũng làm được. Bà Nguyễn Thị Thuần (sinh năm 1956) ở thôn An Đông, xã An Bình, từng đưa thuyền lên tận ngã ba Kèo sông Kinh Thầy (Kinh Môn) để bán hàng. Suốt hơn 30 năm bán hàng trên chợ nổi, bà Thuần nhớ nhất là những lần bị chìm cả người, cả thuyền và hàng hóa.

Có lần trong mùa đông mưa rét cũng tầm tháng 10 âm lịch như bây giờ, thuyền của bà Thuần bị tàu lớn va vào rồi chìm nghỉm. Lúc bị đâm, vợ chồng bà đều đang ở trên thuyền cùng rất nhiều hàng hoá. Bà ở trên nhanh chân chạy được lên tàu người ta, ông ở dưới bị rơi xuống nước rồi may mắn bơi được vào bờ. Một lần khác, bà đứng trên tàu cũng bị ngã xuống khi người đang mặc áo mưa nên không bơi lên được, may mà được ông cứu lên kịp thời. Cùng với đó là vô số lần bà đã chông chênh, dập dờn cùng sóng nước trên sông Kinh Thầy đầy nguy hiểm rình rập tính mạng, tài sản. Số đồng hồ, điện thoại chồng bà từng đánh rơi xuống sông cũng không nhớ hết. Ngay cả lúc bình thường, việc buôn bán, đứng chào hàng trên sông cũng khó khăn vì sóng đánh dập dềnh, ai nhìn cũng hãi.

Bà Thuần dẫn tôi ra chỗ từng là chợ nổi trước đây. Bà vẫn nhớ nhung thời chợ nổi sầm uất. Cầm tạm cây bèo trên tay, bà Thuần làm lại y chang ngày xưa bà cầm mớ rau chào hàng, ra tín hiệu cho tàu khách. Bà kể vì sinh ra, lớn lên ở rìa sông rồi mới lấy chồng vào trong làng nên bà gắn bó với sông Kinh Thầy từ bé và càng yêu công việc mưu sinh trên sông nước.

1b6c9aea-ab0e-47f4-adfe-3bc44bc80ab3.jpeg
Chiếc thuyền ông Thập vẫn giữ được để làm kỷ niệm và thi thoảng dùng để chăm cá lồng trên sông Kinh Thầy

Ngày trước, bà Thuần cung cấp đủ các dịch vụ cho tàu thuyền qua lại. Họ hết gas thì bà đi mua gas về cho họ, bão họ dừng đúng lúc có dịch đau mắt đỏ bà cũng chở từng tốp người từ tàu vào trạm y tế xã để điều trị rồi còn đủ thứ dịch vụ khác. Bà bảo cứ miễn có công là bà làm vì mưu sinh trên sông là thế. Suốt hơn 30 năm buôn bán trên sông, số lần bà Thuần nghỉ không ra chợ rất ít.

“Tôi hiếm khi nghỉ, có việc bận lắm thì mới nghỉ chứ bão bùng, sóng gió vẫn đi. Bão to quá tôi mới không đi bán được vì thường là có bão thì tàu họ dừng lại, trên thuyền mình có gì là họ mua hết để ăn dần. Lúc ấy làm ăn lại càng được”, bà Thuần nhớ lại.

Chỉ còn là hoài niệm

Thấy công việc dễ kiếm ra tiền, một số người trong làng, trong xã cũng sắm thuyền bè để kinh doanh trên chợ nổi. Khi không có tủ lạnh thì người ta cần mua đồ ăn, nhưng đến khi trên tàu đã lắp được tủ lạnh thì thời của chợ nổi An Bình cũng hết.

Ông Nguyễn Danh Thập ở thôn An Đông, xã An Bình, từng thay qua 5 đời tàu khi bán hàng trên chợ nổi. Chiếc thuyền gần đây nhất, đắt nhất vẫn được ông Thập giữ lại đang thả trên sông đúng chỗ trước đây từng kinh doanh, buôn bán. Tôi hỏi ông Thập sao nghỉ bán lâu rồi mà vẫn chưa bán thuyền, ông Thập bảo tiếc lắm.

de152b7c-e9fb-4b88-8404-3c881a8886a4.jpeg
Khu vực từng là chợ nổi trước đây trên sông Kinh Thầy đoạn qua xã An Bình

“Hồi năm 2009, tôi mua thuyền này giá một cây rưỡi vàng. Vàng hồi đó có mấy trăm ngàn đồng một chỉ mà còn mua thuyền cũ, về sửa sang thêm mất nhiều tiền nên giờ bán sắt vụn cũng tiếc. Tôi để lại để thi thoảng chăm cá lồng và giữ làm kỷ niệm, cũng có người thích ra đây chụp ảnh cái thuyền này”, ông Thập chia sẻ.

Hồi còn trẻ, ông Thập với nhiều người bán hàng cứ như thói quen sáng sớm lấy hàng rồi cho thuyền đi qua, đi lại tìm tàu khách. Về sau thưa khách, có hôm lãi chục cái đậu, hôm thì không có lãi. Ngày ấy, tiểu thương chợ nổi lấy thịt không bán được lại mang lên trả lại thương lái, ai cũng cười mà trách nhưng hôm sau lại lặp lại như vậy.

Chợ nổi không còn kinh doanh tốt nhưng vì lúc đó chưa có nhiều nghề nên ai cũng cố gắng bám trụ chứ chưa vội bỏ. Đến giờ thì không còn ai buôn bán trên sông Kinh Thầy đoạn đó nữa, người đi làm công ty, người nuôi cá lồng, người về trồng trọt… Những chiếc thuyền từng là kế sinh nhai bấy giờ hầu hết được bán sắt vụn. Giờ đây, họ chỉ còn giữ lại những chiếc can khi xưa đựng dầu, cái cân để cân hàng, những chiếc kệ để rau, thịt hay chỉ là cái đèn pha tàu từng theo họ những ngày sáng sớm đi buôn.

Chợ nổi An Bình không còn nhưng ký ức vẫn vẹn nguyên ở đó. Bà Thuần, ông Chính, ông Thập và nhiều người khác vẫn hy vọng, trông chờ một ngày đường sông được quan tâm phát triển để phát huy hết tiềm năng sẵn có của nó. Từ đó, chợ nổi sẽ quay trở lại sầm uất như xưa nhưng là ở một phương thức hiện đại hơn, bền vững hơn cùng với những bến thủy nội địa sẽ có trên sông Kinh Thầy.

PHONG TUYẾT