Sản phẩm dệt may Việt Nam gây ấn tượng tại Australia
Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Với sứ mệnh hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành dệt may của Việt Nam, từ ngày 21 - 23/11, tại sự kiện “Triển lãm tìm nguồn cung ứng toàn cầu Australia 2023” (Global Sourcing Expo Australia 2023) được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Melbourne ở thành phố Melbourne, Thương vụ Việt Nam tại Australia đã tổ chức gian hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm dệt may của Việt Nam, giúp đại diện các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối với các đối tác quốc tế, mở rộng mạng lưới và mở ra "cánh cửa" cũng như cơ hội hợp tác thương mại mới.
Là sự kiện thương mại quốc tế hàng đầu của ngành công nghiệp dệt may được tổ chức 2 lần một năm với các cuộc triển lãm ở cả 2 thành phố hàng đầu của Australia là Sydney và Melbourne, Global Sourcing Expo Australia 2023 quy tụ hơn 900 nhà sản xuất và cung cấp trong ngành dệt may đến từ 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Nam Phi, Bangladesh, Pakistan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ…. và được cho là sẽ thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan. Đây là cơ hội không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp đang nỗ lực tối ưu hóa khả năng tìm nguồn cung ứng toàn cầu, giúp họ kết nối mạng lưới, củng cố quan hệ đối tác kinh doanh và khám phá các cơ hội mới. Triển lãm giới thiệu nhiều loại sản phẩm và dịch vụ, bao gồm hàng dệt may, giày dép, mũ, bóng, cặp sách...
Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết dù ngành dệt may nói chung suy giảm, song giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Australia lũy kế 10 tháng đầu năm nay đạt 387 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 38,2% so với cùng kỳ năm 2021.
Tại triển lãm lần này, Thương vụ phối hợp với đoàn xúc tiến của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) để quảng bá đa dạng sản phẩm các doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm tạo động lực tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, Thương vụ chủ trương thúc đẩy hợp tác sâu hơn giữa ngành dệt may, giầy da của hai nước. Cụ thể là thúc đẩy quan tâm hợp tác đầu tư sản xuất giữa doanh nghiệp hai nước; thúc đẩy hợp tác tài chính, mua cổ phần của nhau; thúc đẩy thị trường Australia không chỉ nhập các sản phẩm thành phẩm của Việt Nam mà còn nhập nguyên phụ liệu ngành này tại Việt Nam - đó cũng là lý do Thương vụ xây dựng gian hàng không chỉ trưng bày sản phẩm mà còn trở thành quầy thông tin One-Stop-Shop phục vụ về thương mại và đầu tư trong ngành dệt may, giầy da Việt Nam tại sự kiện.
“Lụa Việt Nam” đã trở thành điểm nhấn trưng bày để gợi mở về triển vọng hợp tác sâu hơn về thời trang của hai nước. Bên cạnh đó, Thương vụ còn phát hiện một phân khúc khác là cặp học sinh tại Australia khá đơn điệu, to và nặng. Đây là cơ hội để Thương vụ giới thiệu sản phẩm cặp học sinh “Made in Vietnam” tại triển lãm năm nay với hy vọng từ các bạn nhỏ tại Australia, các sản phẩm khác của Việt Nam như dệt may, giầy da sẽ theo năm tháng trở nên quen thuộc và được tin tưởng tại “Xứ sở Chuột túi”.
Là người trực tiếp bài trí, giới thiệu và quảng bá cho gian hàng của Việt Nam tại triển lãm, chia sẻ với phóng viên TTXVN, bà Nguyễn Thu Hường - Lãnh sự Thương mại-Thương vụ Việt Nam tại Australia - cho biết Thương vụ Việt Nam tại Australia luôn triển khai các hoạt động để quảng bá, giới thiệu hàng hóa của Việt Nam tại thị trường quốc gia châu Đại Dương này với nhiều hình thức khác nhau, trong đó việc tham gia các hội chợ quy mô lớn về các nguồn hàng tại địa bàn là một hình thức vô cùng hiệu quả và thiết thực để đưa hàng hóa, các sản phẩm “Made in Vietnam” đến gần với những nhà nhập khẩu, nhà mua hàng, những nhà kinh doanh và các chuyên gia trong ngành, cũng như cập nhật xu hướng thị trường, trong đó có sự kiện Global Sourcing Expo 2023.
Bà Nguyễn Thu Hường bày tỏ sự phấn khởi khi gian hàng của Thương vụ Việt Nam tại Global Sourcing Expo Australia 2023 thu hút sự quan tâm của đông đảo khách tham quan cũng như các nhà nhập khẩu, phân phối tại sự kiện ngay từ ngày khai mạc. Bà đánh giá triển vọng và tiềm năng của hàng dệt may Việt Nam là rất lớn, đặc biệt sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thực thi, tạo lợi thế cho hàng dệt may Việt Nam vào thị trường Australia, giảm áp lực cạnh tranh với một số nước khác vì được hưởng ưu đãi thuế quan.
Theo bà Nguyễn Thu Hường, điều quan trọng là các doanh nghiệp Việt Nam cần mạnh dạn, tự tin và quyết tâm thâm nhập thị trường. Cơ quan Thương vụ cam kết luôn sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp.
Tham dự Global Sourcing Expo Australia 2023 có VITAS và đại diện các doanh nghiệp Việt Nam như Công ty TNHH Thái Sơn SP; Công ty Đồng Tâm Caps; Công ty FADATECH; Công ty TNHH Thương mại An Sinh; Công ty Cổ phần may Việt Y - Hưng Yên (VYG); Công ty Cổ phần thương mại may Việt Thành; Công ty XDD Textile CO., Ltd; Công ty Động lực JSC... với tổng cộng 12 gian hàng trưng bày đa dạng các sản phẩm như quần áo thời trang, mũ, ví, lụa tơ tằm, cặp sách học sinh... VITAS và các công ty tham gia triển lãm mong muốn sẽ tìm được nhiều cơ hội hợp tác với các đối tác và người mua quốc tế, thể hiện những thế mạnh và dịch vụ độc đáo của ngành dệt may Việt Nam.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS - đánh giá Australia là một thị trường tiềm năng và mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam và Australia là thành viên chung của ít nhất 3 Hiệp định thương mại tự do (FTA), gồm FTA ASEAN - Australia - New Zealand (AANZFTA), CPTPP và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Ông cho rằng đây là những cơ hội rất lớn để cho các doanh nghiệp tận dụng lợi thế về thuế quan mà các hiệp định thương mại này mang lại.
Nhận định về các doanh nghiệp Việt Nam tham gia triển lãm, bà Marie Kinsella - Giám đốc điều hành của Nhóm Hội nghị và Triển lãm Quốc tế, nhà tổ chức Global Sourcing Expo Australia 2023 - cho rằng các doanh nghiệp đã cùng nhau đại diện cho sự đa dạng và xuất sắc của ngành dệt may Việt Nam. Ban tổ chức mong đợi và chứng kiến họ giới thiệu các sản phẩm chất lượng cao, cách tiếp cận sáng tạo và cam kết về tính bền vững tại Global Sourcing Expo Australia 2023.
Say sưa ngắm nhìn những sản phẩm dệt may tinh tế, chất lượng vượt trội và màu sắc đa dạng, bắt mắt của Việt Nam, nhiều khách hàng Australia và quốc tế bày tỏ sự thích thú, hài lòng và mong muốn tìm hiểu thêm về sản phẩm này. Bà Cielo Quintero - một khách tham quan - cho biết bà rất hào hứng với thị trường may mặc Việt Nam và đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam trong những năm tới.
Bà đánh giá các sản phẩm Việt Nam được trưng bày tại triển lãm rất có triển vọng, Việt Nam sở hữu công nghệ và nguồn lực tuyệt vời để hợp tác kinh doanh với các công ty của Australia. Công ty của bà Quintero đã hoạt động trong lĩnh vực may mặc ở Australia khoảng 20 năm và đang muốn thông qua cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia tìm kiếm một số nhà máy dệt may uy tín ở Việt Nam cũng như hỗ trợ thông tin về sản phẩm. Bà hy vọng có thể sớm triển khai hoạt động hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam với niềm tin Việt Nam có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm cũng như môi trường kinh doanh thuận lợi.
Cùng chung nhận định, bà Frances Szmark - Giám đốc Công ty Mozzigear có trụ sở tại Melbourne – cho rằng các sản phẩm lụa của Việt Nam có chất lượng rất tốt, màu sắc đẹp và thiết kế tinh tế, đa dạng và phong phú. Theo bà, đó là những điểm nổi bật và khiến các sản phẩm lụa của Việt Nam trở nên hấp dẫn, lôi cuốn.
Có thể nói, với việc tham gia Global Sourcing Expo Australia 2023, các doanh nghiệp của Việt Nam có cái nhìn tổng quan về thị trường của Australia cũng như của thế giới. Đây cũng là nơi để các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp Việt Nam cũng như nước ngoài trực tiếp tham gia các buổi hội thảo chuyên sâu và được nghe các chuyên gia có uy tín trong ngành chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, chuyên môn có giá trị cao, khám phá và cập nhật xu những xu hướng thị trường mới, trực tiếp gặp gỡ, kết nối với các nhà sản xuất, các đại lý, các nhà cung cấp, phân phối và các đối tác trên thế giới để nâng cao hoạt động tìm nguồn cung ứng và điều hướng thị trường toàn cầu không ngừng phát triển.