Cây "vàng" của người dân vùng cao Ba Chẽ
Cây trà hoa vàng là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) Quảng Ninh đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Từ năm 2018, cây trà hoa vàng cũng được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp văn bằng chứng nhận.
Với giá thành 15 triệu đồng/kg hoa khô, đây đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn của huyện vùng cao Ba Chẽ thuộc phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, không chỉ giúp đồng bào các dân tộc thoát nghèo mà còn vươn làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Từ năm 2016, huyện Ba Chẽ đã quyết định tổ chức Lễ hội Trà hoa vàng, 2 năm/lần (vào năm chẵn) nhằm quảng bá, nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP trà hoa vàng. Các sản phẩm OCOP trà hoa vàng liên tục được đầu tư, nâng cao chất lượng sản lượng sản xuất, tiêu thụ. Ngoài sản phẩm trà hoa vàng truyền thống là loại trà hoa sấy khô, nhiều sản phẩm mới được xây dựng như bột mát-cha trà hoa vàng, sản phẩm trà túi lọc đã nhanh chóng được thị trường đón nhận.
Ông Vi Thành Vinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Chẽ cho hay, huyện đã quy hoạch mở rộng diện tích trồng trà hoa vàng lên 500 ha vào năm 2030 tại các xã Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Đồn Đạc. Hiện nay, toàn huyện đã trồng được 235 ha trà hoa vàng, với trên 400 hộ trồng, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao. Hiện với diện tích trên, sản lượng thu hoạch hoa trà tươi bình quân đạt 20 tấn/năm, lá trà tươi là 65 tấn/năm. Doanh thu từ cây trà hoa vàng hằng năm khoảng hơn 20 tỷ đồng.
Kết quả trên nhờ việc huyện đã thực hiện mô hình liên kết giữa nhà nông với doanh nghiệp tạo chu trình khép kín từ trồng, sản xuất đến bao tiêu và tiêu thụ sản phẩm cho trà hoa vàng. Các hộ trồng trà hoa vàng ở Ba Chẽ giờ đã chủ động liên kết với Công ty cổ phần kinh doanh lâm sản Đạp Thanh và Hợp tác xã Dược liệu trà hoa vàng Ba Chẽ để xây dựng vùng trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết, việc liên kết sản xuất mang lại đồng thời nhiều lợi ích cho cả người trồng và doanh nghiệp. Nông dân được hướng dẫn phương pháp trồng, chăm sóc và thu hoạch đúng kỹ thuật; có đầu ra thu mua ổn định, nâng cao tay nghề sản xuất đảm bảo chất lượng. Doanh nghiệp thì có nguồn nguyên liệu ổn định, nguồn hàng được mở rộng, có điều kiện ứng dụng những dây chuyền máy móc công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị kinh tế những sản phẩm truyền thống là hoa, lá khô.
Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh cho biết thêm, công ty đang sử dựng các công nghệ sấy thăng hoa, nghiền bột lá bằng đá granit... để có thể đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới chất lượng cao như bột trà, bánh trà, nước uống đóng chai.
Vụ thu hoạch trà hoa vàng bắt đầu từ tháng 10 kéo dài đến tháng 2 của năm sau. Giám đốc Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh dự kiến sản lượng thu hoạch năm nay sẽ tăng cao hơn so với trước. Riêng Công ty cổ phần Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh có diện tích khoảng 7 ha sẽ cho thu hoạch dự kiến khoảng 4 tấn hoa tươi và thu mua của người dân thêm khoảng 4 tấn hoa tươi phục vụ chế biến các sản phẩm trà hoa vàng.
Ông Đàm Văn Cường ở thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ cho biết, những năm trước do không có kinh nghiệm trồng trà hoa vàng nên gia đình trồng với mật độ dày hiệu quả không cao. Gần đây, nhờ sự chia sẻ kinh nghiệm của cán bộ nông nghiệp và doanh nghiệp thu mua nên vụ 2022 - 2023 gia đình ông thu hoạch được 1 tấn hoa tươi trên diện tích 2,5 ha. Hoa tươi loại 1 được doanh nghiệp, hợp tác xã thu mua với giá 500 nghìn đồng/kg, loại 2 được 200 nghìn đồng/kg. Từ 1 tấn hoa tươi, trừ chi phí giống, vật tư gia đình cũng thu lãi hơn 300 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống gia đình ông Cường trở nên ổn định, khá giả hơn. Giờ đây, cả gia đình với 4 lao động chủ yếu sống nhờ vào 2,5 ha cây trà hoa vàng.
Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Ba Chẽ Bùi Văn Lưu cho hay, địa phương sẽ tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ nhân dân theo Nghị quyết 194/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh về chính sách khuyến khích đầu tư, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, tỉnh hỗ trợ 70% chi phí giống, vật tư cho người sản xuất tham gia dự án liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, tổng mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án.
Đến nay, Ba Chẽ đã triển khai được 10 mô hình liên kết và đã làm một mã vùng trồng trà hoa vàng để phục vụ cho xuất khẩu. Trước đó, riêng giai đoạn 2015 - 2017, thực hiện Nghị quyết 45/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung trên địa bàn, huyện Ba Chẽ đã hỗ trợ hơn 1,1 tỷ đồng cho 174 hộ tham gia dự án trồng cây trà hoa vàng tập trung.
Ngoài ra, để góp phần thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất nông nghiệp nói chung và cây trà hoa vàng nói riêng, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội huyện thường xuyên củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Chẽ Lê Hồng Phú cho biết, phía ngân hàng triển khai cho các hộ gia đình vay để phát triển cây trà hoa vàng từ 3 năm trở lại đây. Đến nay, có khoảng 100 hộ gia đình vay vốn, mức vay tối đa 100 triệu đồng/hộ. Các hộ vay vốn trồng trà hoa vàng đều sản xuất hiệu quả, ngân hàng không có nợ xấu.
Trà hoa vàng Ba Chẽ có tên khoa học Camellia Chrysantha Tuyama, có cuống màu tím. Theo các nhà nghiên cứu, trà hoa vàng Ba Chẽ là dược liệu quý cho sức khỏe với những tác dụng cho cơ thể như: giảm lượng đường trong máu, giải độc gan và thận; giảm hàm lượng lipid trong huyết thanh, giảm lượng cholesterol xấu; có thể giúp hạ huyết áp, ức chế sự tụ tập của tiểu cầu, chống sự hình thành huyết khối gây tắc nghẽn mạch máu; lợi tiểu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch máu; giúp phòng ngừa ung thư và ức chế sự phát triển của khối u.