Loạt tư liệu quý về triều Nguyễn lần đầu được công bố
Nhiều văn bản hành chính, hiện vật từ các vua triều Nguyễn lần đầu được giới thiệu công chúng tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
Triển lãm "Châu bản triều Nguyễn - ký ức một triều đại" khai mạc hôm 17/11, dịp kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11). Sự kiện do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế phối hợp tổ chức.
Triển lãm công bố nhiều tài liệu được lựa chọn từ khối Châu bản triều Nguyễn - Di sản tư liệu thế giới.
Châu bản triều Nguyễn là hệ thống văn bản hành chính, gồm các tập tấu, sớ, phụng thượng dụ, chiếu, chỉ dụ, tư trình, bẩm, truyền, sai, phó, khiển được vua ngự lãm hoặc ngự phê bằng mực màu son, truyền đạt ý chỉ hay giải quyết các vấn đề trong quản trị đất nước. Hệ thống văn bản này được giao cho Nội các triều Nguyễn tập hợp và quản lý thống nhất thành một khối văn thư của triều đình.
Đây là tài liệu hành chính gốc duy nhất ở Việt Nam và thuộc số ít trên thế giới còn lưu được bút tích phê duyệt trực tiếp của các Hoàng đế trên văn bản.
Triều Nguyễn với 143 năm tồn tại (1802-1945) đã lưu dấu ấn trong lịch sử về thống nhất giang sơn, xác lập chủ quyền, quan hệ bang giao, kiến thiết kinh đô, văn hóa giáo dục, đời sống xã hội, thiết chế hành chính, chế định luật pháp, khoa cử thư tịch.
Châu bản triều Nguyễn còn lại hiện nay gồm hơn 86.000 văn bản gốc của 11 triều vua. Trong đó có 10 vị vua để lại bút tích phê duyệt bằng mực son trên văn bản. Hai triều vua không có Châu bản là Dục Đức và Hiệp Hòa. Hệ thống văn bản này được UNESCO vinh danh là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2014, Di sản tư liệu thế giới năm 2017.
Những sự kiện được ghi chép trong Châu bản mang tính xác thực cao, bởi đó là những thông tin phục vụ công tác quản lý xã hội, được tiếp nhận, xử lý bởi các vua triều Nguyễn.
Châu bản cũng là nguồn sử liệu quan trọng để biên soạn các bộ sử và các sách điển lệ chính thống, như: Đại Nam thực lục chính biên, Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam liệt truyện, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (chính biên, tục biên), Tự Đức chiếu dụ.
Giáo sư Phan Huy Lê từng khẳng định Châu bản triều Nguyễn là di sản văn hóa mang giá trị kép, vừa là vật thể và phi vật thể vô giá, độc bản, được bảo tồn đến ngày nay.
Triển lãm còn trưng bày những hiện vật tiêu biểu của triều Nguyễn.
Không gian trưng bày "Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại" còn kết hợp công nghệ trình chiếu ánh sáng, nghệ thuật sắp đặt, làm tôn lên giá trị các tài liệu, hiện vật.
Thanh Trúc (21 tuổi, Hà Nội) nói tự hào khi được chiêm ngưỡng những văn bản của các vua thời Nguyễn. Khán giả ấn tượng cách sắp đặt, kỹ thuật ánh sáng ở mỗi khu vực.