Thủ đoạn mua chuộc cả đoàn thanh tra để "xoá mờ sai phạm" của SCB
Công an cáo buộc do nhận 5 triệu USD, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo "xoá mờ" nhiều sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB.
Theo kết luận, tháng 8/2017, bị can Nguyễn Văn Hưng khi là Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước đã lập đoàn liên ngành thanh tra SCB hội sở chính và 12 chi nhánh của ngân hàng này
Đoàn có 18 thành viên do Cục trưởng Nhàn làm trưởng đoàn, cùng 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, 2 cán bộ Kiểm toán Nhà nước, 4 Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.
Đoàn chia thành 5 tổ thanh tra các nội dung như: hoạt động cấp tín dụng, khoản lãi phải thu, thực trạng nợ xấu, tái cơ cấu, đánh giá hoạt động quản trị của SCB.
Trong 45 ngày đầu thanh tra, đoàn phát hiện nhiều sai phạm nhưng vẫn chấp nhận các khoản nợ xấu của SCB, đồng ý cho tiếp tục hạch toán các khoản vay... Đoàn chỉ quyết định xử phạt hành chính 4 vấn đề với số tiền 965 triệu đồng.
Đầu năm 2018, khi xây dựng dự thảo báo cáo lần đầu phục vụ việc trình bày với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng, bà Nhàn đã chỉ đạo tổ tổng hợp "bỏ ngoài số liệu phân loại nợ xấu nhóm 4 và nhóm 5" gồm 3 dự án Mũi Đèn đỏ, 6A và Royal Garden với tổng dư nợ gần 38.000 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, động thái này đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, từ 91.000 tỷ đồng nợ xấu xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu, hệ số an toàn vốn riêng lẻ đều từ âm thành dương.
Trong báo cáo về kết quả thanh tra tại SCB của Ngân hàng Nhà nước trình bày với Chính phủ, bà Nhàn bị cáo buộc chỉ đạo thành viên đoàn chỉ nêu chung chung, không ghi số liệu trung thực, không đưa thực trạng tài chính yếu kém của SCB. Mục đích để giảm nhẹ cho các sai phạm của SCB.
Sau khi báo cáo Chính phủ, bà Nhàn tiếp tục yêu cầu bỏ nội dung kiến nghị phân loại nợ nhóm 4, nhóm 5 với 3 dự án tại chi nhánh SCB Cống Quỳnh trong dự thảo.
Đoàn thanh tra còn phát hiện rất nhiều sai phạm tại các khoản vay của nhóm 71 khách hàng ở cùng một địa chỉ là số 4 Nguyễn Thị Minh Khai nhưng "làm ngơ", kết luận điều tra nêu.
C03 cáo buộc, khi Trung tâm Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trả lời về các "điểm đen" trong hồ sơ vay của khách hàng, bà Nhàn cùng các đồng phạm không sử dụng kết quả này. Khi có đề xuất đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, ông Hưng gạt nội dung này khỏi báo cáo nhằm "xóa mờ các sai phạm".
Đặc biệt, tại phần kiến nghị, đoàn thanh tra đã đề xuất Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện cho SCB thực hiện tái cơ cấu.
Lúc ban hành kết luận thanh tra, đoàn thanh tra đã đề xuất để lãnh đạo thể hiện không đúng tình hình, thực trạng tài chính của SCB. Cụ thể, kết luận bỏ ngoài số liệu nợ xấu của ba siêu dự án. Nếu thể hiện đầy đủ thì nợ xấu của SCB tới 35,8% nhưng kết luận chỉ nêu nợ xấu 20,9%.
Việc SCB vi phạm hầu hết các quy định của Ngân hàng Nhà nước về lỗ lũy kế, âm vốn sở hữu, nợ xấu cũng được bỏ ngoài kết luận thanh tra. Việc này nhằm tránh cho SCB bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
SCB còn có hàng loạt vi phạm về cho vay, sử dụng vốn, thoái lãi dự thu, phương án cơ cấu nhưng vẫn được "ém nhẹ". Kết luận còn bỏ toàn bộ nội dung kiến nghị thu hồi ngay số tiền vay sử dụng sai mục đích ở ba dự án, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra các sai phạm.
Khi bị bắt, bị can Nhàn, Hưng thừa nhận thời kỳ thanh tra, thực trạng tài chính của SCB "là rất xấu, đủ điều kiện đưa vào diện kiểm soát đặc biệt". Các sai phạm ở SCB cũng nghiêm trọng, chủ yếu ở các dự án, phương án cho vay, nợ xấu, thoát lãi dự thu. Dù vậy, ông Hưng báo cáo không đúng thực trạng của SCB, không kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xử lý. Từ đó, lãnh đạo Ngân hàng nhà nước không có đủ thông tin để xử lý sai phạm của SCB và ngăn chặn hành vi phạm tội của bà Trương Mỹ Lan.
Theo kết luận, mặc dù không nắm giữ chức vụ nào ở SCB nhưng bà Lan là người có quyền hạn tại ngân hàng này, nắm cổ phần chi phối hơn 90%. Bà bố trí người thân tín giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt tại SCB nên mọi hoạt động của ngân hàng này "đều cơ bản" phục vụ bà Lan.
5 triệu USD hối lộ đựng trong 3 thùng xốp
Trong thời gian thanh tra tại SCB, bà Nhàn thừa nhận nhiều lần nhận hối lộ của ngân hàng này, tổng 5,2 triệu USD (khoảng 120 tỷ đồng).
Bà khai lần đầu tiên vào cuối tháng 3/2018, Chủ tịch HĐQT SCB Đinh Văn Thành và Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn tới phòng làm việc của bà Nhàn tại trụ sở đưa một túi quả cherry và 200.000 USD. Số tiền này bà cất tại nhà riêng ở căn hộ chung cư thuộc quận Cầu Giấy.
Theo cơ quan điều tra, tháng 10-12/2018, giai đoạn xây dựng dự thảo kết luận thanh tra để xin ý kiến các bộ ngành liên quan, ông Văn và lái xe đã 3 lần mang thùng xốp đựng USD đến hối lộ bà Nhàn. Trong đó, một lần đưa một thùng có một triệu USD; hai lần đưa thùng có hai triệu USD.
Sau mỗi lần đưa, bà Nhàn hỏi Văn là tiền gì thì được đáp "bà Lan cảm ơn đã giúp đỡ SCB trong suốt quá trình thanh tra".
Kết luận điều tra nêu bà Nhàn để tiền trong phòng ngủ tại nhà riêng, chưa dùng vào việc gì. Khoảng tháng 12/2022, sau khi bà Lan bị bắt, bà Nhàn mang 2,6 triệu USD gửi nhờ tại nhà họ hàng ở tỉnh Nam Định. Số còn lại, bà cho vào thùng sắt, khóa lại, mang sang nhà em trai ở bên cạnh cất trong tủ phòng ngủ. Bà sau đó khóa cửa và cầm chìa khóa thùng sắt.
Bà Nhàn khai nhiều lần liên lạc đề nghị Văn đến để trả lại tiền nhưng không được. Bà hiện đã nộp lại toàn bộ tiền nhận hối lộ.
Về nguồn tiền đưa cho Nhàn, bị can Văn khai do bà Lan chỉ đạo lấy từ nguồn riêng. Tiền chuyển từ SCB Sài Gòn ra SCB Cầu Giấy để Văn rút ra, đổi thành USD đưa cho bà Nhàn.
Bà Lan khai trong quá trình thanh tra có hai lần gặp bà Nhàn nhờ sớm ra kết luận để đối tác nước ngoài đầu tư và được vị trưởng đoàn đồng ý. Việc đưa tiền cho bà Nhàn bao nhiêu, như thế nào do lãnh đạo SCB quyết định thực hiện, bà Lan không biết. Tuy nhiên, cơ quan điều tra cho rằng "có đủ căn cứ xác định bà Lan đã đưa hối lộ 5,2 triệu USD".
Ngoài bà Nhàn, từ năm 2016 đến 2018, bị can Hưng nhiều lần nhận tổng cộng 390.000 USD (8,7 tỷ đồng) của lãnh đạo SCB và dùng vào mục đích cá nhân. Các bị can còn lại trong đoàn thanh tra đều bị cáo buộc nhận tiền của SCB, từ 100 triệu đồng đến 40.000 USD.
Theo cơ quan điều tra, 7 thành viên còn lại của đoàn thanh tra đều là cấp dưới, chỉ tham gia một phần việc do tổ trưởng giao. Họ chủ động khai báo về sai phạm và việc nhận tiền trong quá trình thanh tra. Cho rằng những người này đã nộp lại tiền nhận từ SCB, tích cực hợp tác điều tra, C03 không đề nghị xử lý hình sự.
Trong kết luận điều tra, duy nhất bà Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đề nghị truy tố tội nhận hối lộ.
17 cán bộ nhà nước còn lại thuộc Ngân hàng Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước bị đề nghị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, chủ mưu trong vụ án, bị đề nghị ba tội đưa hối lộ, vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng và tham ô tài sản.