Đi bộ khi đã sử dụng rượu bia có bị xử phạt?
Nhiều người thắc mắc, đi bộ khi đã sử dụng rượu bia có bị xử phạt hay không và dưới đây là một số thông tin giải đáp.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, hành vi sử dụng phương tiện giao thông mà trong hơi thở có nồng độ cồn sẽ bị xử lý bao gồm các đối tượng sau:
Người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô; Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy; Người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng; Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ khác.
Như vậy, mọi trường hợp người điều khiển xe trên đường mà vi phạm nồng độ cồn đều bị xử phạt nghiêm. Nếu người điều khiển phương tiện cố tình không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ, hoặc có hành vi chống đối thì bị phạt tiền ở mức kịch khung, đồng thời có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong các tội như chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng…
Đáng nói, tuy Nghị định 100/2019/NĐ-CP không quy định xử phạt người đi bộ tham gia giao thông mà có nồng độ cồn quá 0 trong cơ thể nhưng người nào uống rượu, bia rồi đi bộ trên đường và gây ra lỗi (như vượt đèn đỏ, đi sai luật, có những hành vi mất kiểm soát tâm sinh lý… dẫn đến va chạm, tai nạn giao thông) thì hoàn toàn có thể bị xử phạt.
Cụ thể, theo quy định tại Điều 260 Mục 1 Chương XXI Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 - 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:
a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Nếu gây ra tai nạn giao thông mà hậu quả lớn hơn có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.