Người mẹ lên mạng tìm chồng giúp con gái
Thấy con gái ngoài 30 tuổi vẫn thờ ơ chuyện kết hôn, bà Đỗ Thị Lý lập tài khoản mạng xã hội, chủ động tìm mối, thăm dò và hướng dẫn chàng trai "cưa" con gái mình.
Bằng phương pháp này, bà Lý, chủ một vựa buôn cá khô ở huyện Mỏ Cày Nam (Bến Tre) đã tìm chồng cho con gái thành công sau gần hai năm. Trong lần đầu tiên chia sẻ hành trình tìm chồng giúp con, đầu tháng 11/2023, bà thừa nhận "hôm đám cưới, ngoài cô dâu chú rể, tui là người hạnh phúc nhất".
Vợ chồng bà Lý có hai con, chị Lê Xuân Đào, 35 tuổi, là con gái lớn. Trước đó chị cũng từng trải qua vài mối tình nhưng đều đổ vỡ nên chỉ chú tâm vào bán hàng ở chợ Mỏ Cày Nam.
Là người đầu tiên khởi xướng bán cá khô qua livestream, thu nhập của Đào tăng 3-4 lần. Cô bị cuốn vào công việc, nhiều lần ngủ ngoài chợ vì thường kết thúc buổi livestream muộn. Cũng chính vì thế Đào gần như quên luôn chuyện kết hôn. Cô dự định khi nào "kiếm được kha khá" mới lập gia đình.
Nhưng bà Lý lại rất sốt ruột khi thấy con gái chỉ đam mê buôn bán. Mỗi lần giục chuyện chồng con, bà phát hoảng khi nghe chị Đào trả lời "nếu 40 tuổi vẫn ế sẽ lên truyền hình tìm chồng". Bà tìm nhiều mối giới thiệu, nhưng Đào vẫn không ưng ai.
"Con gái tuổi càng nhiều tôi càng lo", người mẹ chia sẻ.
Đầu năm 2019, bà Lý biết tới anh Phong, 44 tuổi, một ông bố đơn thân, chủ cửa hàng điện thoại ở huyện Thạnh Phú, cách nhà bà 35 km. Nghe nhiều người khen tính cách của Phong, bà quyết tâm tìm hiểu hộ con gái.
Người phụ nữ 63 tuổi lập tài khoản mạng xã hội, theo dõi những bài đăng của Phong để thăm dò, lên kế hoạch tiếp cận để tìm hiểu rõ hơn hoàn cảnh, tính cách của anh.
Hoàn cảnh của anh Phong khá khó khăn, vợ mất vài năm trước vì bệnh hiểm nghèo, một mình nuôi con nhỏ và người cha cao tuổi. Dù luôn bận rộn với công việc, anh chăm lo cho gia đình rất chu đáo.
"Đi chơi ở đâu Phong cũng dẫn con trai đi cùng. Quần áo hai bố con luôn thẳng thớm, gọn gàng nên tôi nghĩ đây là người có tính cẩn thận, chu toàn, lại biết cách chăm sóc trẻ nhỏ", bà Lý nhận định.
Để nói chuyện với anh Phong, bà Lý nhắn tin vờ đang tìm hiểu mua điện thoại. Càng tiếp xúc, người phụ nữ 63 tuổi càng cảm mến Phong bởi sự lễ phép, tình cảm và hiểu chuyện.
Một hôm bà Lý quyết định nhắn tin cho Phong, giới thiệu là mẹ Đào và mời anh ghé qua chợ chơi. Bà cũng bày cho anh cách nói chuyện, làm quen với con gái mình, bắt đầu từ việc đặt cá khô qua những lần livestream. Phong nghe theo nhưng Đào vẫn dửng dưng.
Một hôm, anh Phong đi qua huyện Mỏ Cày Nam nên dẫn con trai vào chợ thăm bà Lý. Thấy cậu bé lẽo đẽo chạy sau bố, người phụ nữ bỗng trào dâng cảm giác thương cảm cảnh gà trống nuôi con. Qua cách nói chuyện lễ phép, bà càng muốn vun vén anh cho con gái mình. Về nhà, người mẹ khuyên con: "Bỏ qua người tốt như vậy, sau tìm được ai khá hơn không?". Chị Đào nghe nhưng cũng chỉ im lặng.
Tết 2020, Phong xin lên nhà thăm bà Lý. Sáng anh chở con trai đi xe máy vượt 35 km lên nhà chơi, tối lại chở về. Sang ngày thứ ba, thương thằng nhỏ phải di chuyển nhiều, bà Lý kêu để cậu bé ở lại. Thời gian ở cùng, bà Lý và Đào là người lo miếng ăn giấc ngủ cho cậu bé. "Hai mẹ con tôi thương thằng bé như ruột thịt của mình vậy", người phụ nữ nói.
Theo thời gian, cùng với sự vun vén của mẹ, Đào dần mở lòng với Phong hơn và có thiện cảm với người đàn ông hiền lành, chịu khó và biết quan tâm tới mọi người. Khi thấy con gái thay đổi dần thái độ, bà Lý bàn với Phong về việc để hai gia đình gặp gỡ.
Nhưng Phong hiểu nhầm đây là lễ dạm ngõ. Anh đưa họ hàng, lễ vật kèm theo một tờ giấy ghi rõ ngày đẹp để tổ chức lễ ăn hỏi, kết hôn đến nhà khiến Đào ngỡ ngàng. Ngay khi đọc được nội dung trong giấy, cô đứng lên nói với khách: "Mời mọi người dùng tiệc, con chưa chuẩn bị cho việc kết hôn nên chưa thể quyết định sẽ tổ chức vào ngày nào".
"Lúc đó tôi ngượng hết người. Vừa gắp đồ ăn tôi vừa phải động viên Phong tiếp tục kiên trì, không được bỏ cuộc", bà Lý nhớ lại. Bà còn cố pha trò: "Sau này Đào xiêu lòng, có khi nó còn theo không con, khỏi cưới xin làm gì cho tốn kém". Dù vậy bà vẫn nhận ra nụ cười đượm buồn của ông bố đơn thân.
Sau lễ dạm ngõ hụt, nghe lời bà Lý, Phong vẫn không bỏ cuộc. Ngày nào anh cũng lái xe đến thăm Đào sau khi kết thúc công việc lúc tối muộn. Sau vài tháng liên tục như vậy, cô gái xiêu lòng, đồng ý tổ chức hôn lễ.
Ngày cưới con gái, bà Lý dậy từ sáng sớm, đôn đáo chào mời quan khách. Đi đến đâu bà cũng khoe có được chàng rể quý, biết yêu thương, kính trên nhường dưới. Khi trao hồi môn, bà quay sang dặn dò con rể, nếu sau này hai vợ chồng cãi nhau, không được phép mách mẹ. "Tôi chỉ nghe chuyện vui, bực tức chắc chắn không nghe vì tuổi này dễ tăng xông lắm", bà cười nói.
Sau đám cưới, Phong vẫn duy trì công việc ở cửa hàng điện thoại, tối đến lại lái xe về nhà vợ để giúp cô livestream bán hàng. Lấy nhau đã vài năm nhưng cả hai chưa một lần to tiếng hay cự cãi. Chàng rể cũng rất quan tâm tới mẹ vợ, thường mua đồ, tổ chức tiệc nhỏ cho bà Lý vào những ngày như sinh nhật, 20/10 hay 8/3. Cặp đôi đã có thêm một cô con gái. Hai đứa trẻ, dù con riêng hay con chung đều được cả nhà yêu thương, chăm sóc như nhau.
Khi đã có rể, bà Lý luôn cố gắng để Phong cảm thấy gia đình vợ cũng giống gia đình mình, có thể cởi mở thoải mái khi giao tiếp. Bà cũng không can thiệp bất cứ điều gì, chỉ đưa ra lời khuyên nếu con gái hoặc con rể cần sự trợ giúp trong hôn nhân, cuộc sống.
"Mang cái tử tế đối đãi với nhau, chúng ta sẽ nhận được điều tử tế mà thôi", người phụ nữ 63 tuổi nói.
Hiện tại bà Lý cảm thấy hạnh phúc và an tâm khi các con biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Bà cũng luôn tin vào trực giác của bản thân, rằng đã có lựa chọn đúng đắn khi tìm được một chàng rể tốt cho con gái mình.