Đời sống văn hóa

Vài nét về tranh cổ động Hải Dương

TIẾN HUY 18/11/2023 15:00

Cùng chung dòng chảy với tranh cổ động của Việt Nam, tranh cổ động Hải Dương đã có thay đổi lớn cả về nội dung, hình thức thể hiện, khẳng định sức sống bền bỉ qua năm tháng

img_2237(1).jpg
Loạt tranh cổ động tại Nhà triển lãm tỉnh thuộc khuôn khổ Triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 2023

Dòng tranh mang trọng trách truyền tải thông tin

Tranh cổ động được đánh giá là mang nhiều ý nghĩa hơn một tác phẩm nghệ thuật thông thường, khi chúng có trọng trách truyền tải thông tin, cổ vũ là chính. Hiện không rõ tranh cổ động xuất hiện tại Hải Dương chính xác ở thời điểm nào, do họa sĩ nào thể hiện, còn qua một số bài báo mang tính tổng kết, tranh cổ động ở Việt Nam xuất hiện trong hoàn cảnh kháng chiến của dân tộc, đầu thế kỷ XX. Hiện nay, tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương đang lưu giữ một số bức tranh cổ động, song "tuổi đời" cũng mới cách đây 19 và 20 năm, cổ động cho SEA Games XXII mà Hải Dương đăng cai môn bóng bàn và bức "25-4-2004 ngày bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009". Còn theo ông Trương Thế Dùng, người có thời gian làm việc lâu năm tại Nhà triển lãm tỉnh, tranh cổ động ở Hải Hưng (khi chưa tách tỉnh) xuất hiện khoảng đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước. Khi đó các họa sĩ đã làm rất tốt việc sáng tác tranh mẫu, khẩu hiệu gửi đi các địa phương trong tỉnh để sao chép trên bảng tin thôn, xã. Nội dung khi đó chủ yếu cổ vũ cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, tăng gia sản xuất phục vụ chiến đấu, động viên thanh niên lên đường đánh giặc... Dòng tranh cổ động ở Hải Hưng khi đó rất nổi tiếng, được mệnh danh là "Xứ tranh cổ động của miền Bắc".

Tại cuộc phát động và tổ chức triển lãm tranh cổ động đầu tiên tổ chức tại Nhà triển lãm (Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng) cách đây khoảng 30 năm thì công chúng mới có điều kiện tiếp cận với hàng loạt tác phẩm của các tác giả trong tỉnh. Tiêu biểu phải kể đến các họa sĩ: Phạm Trí Tuệ, Nguyễn Duy Trúc, Nguyễn Trọng Nguyện, Hồ Duy Phương, Lê Hướng Quỳ... Đây là những họa sĩ tiền bối vẽ tranh cổ động, mở ra một phong trào sáng tác tranh cổ động dành cho các lớp họa sĩ Hải Dương sau này.

Trong số các họa sĩ đi đầu của dòng tranh cổ động tại Hải Hưng trước đây và Hải Dương ngày nay, phải kể đến cố họa sĩ Phạm Trí Tuệ. Ông sinh năm 1942 tại thôn Vũ La, xã Nam Đồng (Nam Sách), nay là phường Nam Đồng (TP Hải Dương). Trong sự nghiệp của mình, ông có phần lớn thời gian sáng tác tranh cổ động thời kỳ chống Mỹ và giai đoạn sau này. Đó là “Giặc phá ta cứ đi” năm 1968, “Thực hiện tốt quyền làm chủ” năm 1976, “Khai thác nhiều nguồn phân để tăng năng suất lúa” năm 1978, “Bầu cử Quốc hội khóa X” năm 1997...

Sau thế hệ đó, một số họa sĩ Hải Dương được công chúng biết đến qua tranh cổ động. Điển hình như họa sĩ Hà Huy Chương - người đã có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng trong nước. Ở thời điểm hiện tại, ông là số ít họa sĩ của Hải Dương còn gắn bó với dòng tranh này.

Khoảng cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước là thời gian tranh cổ động phát triển mạnh để cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quốc ra sức thi đua xây dựng phát triển đất nước. Khi đó điều kiện còn hạn chế, các họa sĩ sáng tác tranh cổ động của Hải Dương còn rất khó khăn. Song mỗi khi chuẩn bị cho các sự kiện lớn của đất nước, của tỉnh như Đại hội Đảng toàn quốc, Đại hội Đảng bộ tỉnh, bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND... thì hàng loạt các tác phẩm có chất lượng ra đời. "Hình ảnh các họa sĩ nằm dài trên các tấm pa nô khổ lớn để vẽ tranh cổ động đã nói lên tâm huyết và đam mê của các họa sĩ thời đó", ông Trương Thế Dùng nói.

Thiếu hụt thế hệ kế cận

z4884884721818_307fd314bdca8b3982ad884dacbf8cbf(1).jpg
Họa sĩ Hà Huy Chương (bên trái) là một số ít họa sĩ ở Hải Dương hiện nay gắn bó với dòng tranh cổ động
Ảnh: Thiện Tín

Dù là dòng tranh mang tính tuyên truyền, cổ vũ và có nhiều khác biệt song tranh cổ động gắn bó chặt chẽ với dòng tranh nghệ thuật. Họa sĩ tranh cổ động thường sáng tạo tốt tranh nghệ thuật.

Ở Việt Nam, các họa sĩ có những sáng tác tranh cổ động sớm đều là bậc thầy của tranh nghệ thuật, như Nguyễn Đỗ Cung, Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến…

Trước đây, để sáng tác được bức tranh cổ động là kỳ công của các họa sĩ. Ngoài ý tưởng, phác thảo thì tất cả các công đoạn còn lại họa sĩ cũng phải thực hiện thủ công. Để có một bức tranh cổ động khổ lớn cỡ vài chục mét vuông, các họa sĩ phải ghép từng mảng nhỏ. Màu sắc của tranh cổ động dù chủ yếu là màu chủ đạo song trước đây cũng không phong phú như bây giờ. Các dòng chữ cổ động trong tranh họa sĩ cũng hoàn toàn phải kẻ vẽ thủ công...

Hiện nay, việc sáng tác tranh cổ động thuận lợi hơn rất nhiều vì nhiều công đoạn được máy móc hỗ trợ. Theo ông Trương Thế Dùng, trước đây trước một sự kiện lớn như Đại hội Đảng, họa sĩ phải vẽ tranh cổ động mẫu rồi gửi xuống các huyện để sao chép, còn hiện nay một bức tranh có thể in hàng loạt với kích thước lớn. Tuy vậy, ngày càng ít họa sĩ tham gia sáng tác tranh cổ động. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động tại Hải Dương đều đã lớn tuổi, lớp kế cận đếm trên đầu ngón tay. Mặt khác, tranh cổ động rất kén người xem, không có nhiều trường lớp đào tạo bài bản và học sinh, sinh viên không hào hứng với dòng tranh này. Trước đây tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sinh viên ngành thông tin - cổ động thuộc Khoa Văn hóa quần chúng được dạy sáng tác tranh cổ động, nhưng đào tạo đến hết khóa 5 (năm 2003) thì không còn ngành học này...

Tranh cổ động có đặc trưng là màu sắc tươi sáng, sắc nét, khỏe khoắn, tạo hiệu ứng tuyên truyền trực quan mạnh, trực diện. Trong các cuộc kháng chiến và những giai đoạn khó khăn của đất nước, có thể nói tranh cổ động đã hoàn thành tốt nhiệm vụ truyền tải thông tin của mình. Còn trong giai đoạn hiện nay, các cuộc phát động, tổ chức triển lãm được quan tâm tổ chức nhiều hơn song thực tế chỉ gói gọn trong một số họa sĩ mà hầu như không xuất hiện các gương mặt sáng tác mới. Đây là điều những họa sĩ sáng tác tranh cổ động luôn đau đáu!

TIẾN HUY