Tác giả - Tác phẩm

Xuất khẩu thành thơ để phê bình thơ

NGUYỄN TIẾN BÌNH 19/11/2023 11:30

Bình thơ thẳng thắn bằng thơ. Đây là kiểu bình thơ có một không hai ở Việt Nam.

hinh-ve-cu-cao-ba-quat.jpg
Hình vẽ cụ Cao Bá Quát (ảnh internet)

Cao Bá Quát (1808-1855), được mệnh danh là thần đồng thơ. Ông tài chữ, tài thơ, nên được người đời tôn vinh là Cao Chu Thần. Ông sống cùng thời với thần chữ Nguyễn Văn Siêu, người dùng chữ như của trời, Phật, đã có chữ đề trên Đài Nghiên - Tháp Bút nơi Hồ Gươm cùng nhiều nơi danh thắng, linh thiêng khác. Bởi thế, người đương thời tụng ca và đặt danh xưng cho hai ông là "Thần Siêu, Thánh Quát", đồng thời luôn thán phục, trân trọng, tôn vinh hai ông với nhiều mỹ từ đặc biệt như: "Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán".

Thời gian Cao Thần ở Huế giữ chức quan Hành tẩu Bộ Lễ của Triều đình nhà Nguyễn. Tuy làm chức quan nhỏ, nhưng ông được mọi người mến mộ, nể trọng, kính phục, bởi ông là tấm gương sáng về nhân cách và tài năng, nhất là thơ. Vua các đời, đều kính nể ông, kể cả ông vua giàu trí thức, tài thơ nhất trong 13 đời vua, như Tự Đức.

Suốt đời mình, Cao Bá Quát luôn thẳng thắn, khách quan, khảng khái, coi khinh hám danh, nịnh bợ, hèn nhát… Trong thơ của Cao Thần cũng vậy, nên nhiều người ghen ghét, bực tức, mà vẫn ngầm mến phục và ngậm đắng nuốt cay. Trong giao lưu thơ ở chốn cung đình, tính ông cũng thể hiện rõ, không kiêng nể một ai, kể cả với vua. Ông cứ nói toạc ra câu hay, câu dở trong bài thơ của vua. Mà lại là những ý kiến phê bình thơ rất thẳng thắn, chính xác.

Một lần, vua Tự Đức khoe rằng: Đêm qua nằm mơ, bỗng nẩy ra câu thơ rất hay, nay trẫm đọc cho mọi người nghe: "Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai…". Nghe vua đọc xong, các nhà thơ cung đình hết lời ca ngợi thơ của vua, họ khen đến xôn xao cả lên.

Ngược lại, Cao Bá Quát đứng lên trình tâu: "Thưa Bệ hạ! Đây là thứ thơ cũ, mà hạ thần đã nghe và thuộc từ lúc còn trẻ". Nghe Cao Bá Quát nói, vua Tự Đức chưa hết ngạc nhiên và tức bực… Không những thế, Cao Bá Quát tức khí xuất khẩu ngay bài thơ phê bình thơ của Vua: "Bảo mã tây phong huếch hoác lai/ Huênh hoang nhân tự thác đề hồi!/ Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ/ Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai/ Xuân nhật bất văn sương lộp bộp/ Thiên thu chi kiến vũ bài nhài/ Khù khờ thi tứ đa nhân thức/ Khệnh khạng tương lai vẫn tú tài…!"

Bài thơ được dịch ra là: " Huếch hoác ngựa về theo gió đưa/ Huênh hoang người cũng tự về/ Oanh vườn học nói khề khà giọng/ Đào nội đưa cười lấm tấm hoa/ Lộp bộp chẳng nghe xuân móc nặng/ Bài dài chỉ thấy hạt mưa thu/ Khù khờ cu cú ai chẳng biết/ Khệnh khạng còn đem hỏi khách thơ!".

Bình thơ thẳng thắn bằng thơ. Đây là kiểu bình thơ có một không hai ở Việt Nam. Qua lời bình, vua Tự Đức đã hiểu Cao Bá Quát đánh giá thơ của mình là ý cũ, tứ không có gì mới và sáo rỗng… Đó là Cao Bá Quát đánh giá chính xác thơ của Tự Đức không hay, một cách bộc trực, không kiêng nể, không sợ Tự Đức là vua, mà đánh giá bằng thơ, lập tức nẩy ra. Thế mới thật kỳ tài.

NGUYỄN TIẾN BÌNH