Trái phiếu doanh nghiệp tăng trăm nghìn tỷ, Bộ Tài chính khuyến cáo
Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền về trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo về các rủi ro của thị trường, khuyến nghị nhà đầu tư đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư.
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, trong 10 tháng đầu năm, có 70 doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp với khối lượng 180,4 nghìn tỷ đồng; khối lượng mua lại trước hạn là 190,7 nghìn tỷ đồng (tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022). Kể từ khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, khối lượng phát hành là 179,5 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn cao hơn tổng số phát hành.
Riêng trong tháng 10/2023, khối lượng phát hành là 41 nghìn tỷ đồng, tăng 17 nghìn tỷ đồng so với tháng 9. Các doanh nghiệp đã mua lại khoảng 14,2 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, Bộ Tài chính thường xuyên tuyên truyền về trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo về các rủi ro của thị trường, khuyến nghị nhà đầu tư đánh giá được rủi ro khi quyết định đầu tư. Bộ Tài chính sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, đào tạo và phổ biến pháp luật trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính), cho biết: "Chúng tôi khuyến nghị phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ".
Quan trọng hơn, ông Dương lưu ý, nhà đầu tư cần hiểu biết đầy đủ về quy định của pháp luật, tiếp cận đầy đủ thông tin về doanh nghiệp phát hành và trái phiếu, đánh giá kỹ tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành, thận trọng đối với các dịch vụ tư vấn, phân biệt rõ sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp với tiền gửi ngân hàng, đánh giá mức độ rủi ro tương xứng với lợi nhuận khi đầu tư trái phiếu và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
"Nhà đầu tư cũng cần lưu ý, rủi ro của trái phiếu là rủi ro gắn với doanh nghiệp phát hành trái phiếu chứ không phải là rủi ro liên quan đến tổ chức phân phối trái phiếu, trong đó có các ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu", ông Dương nhấn mạnh.
Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi, yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
"Yêu cầu các doanh nghiệp, trường hợp có khó khăn trong thanh toán, phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.