Cần đánh giá thực chất mức độ hài lòng của người dân về công tác cải cách thủ tục hành chính
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, bộ, ngành, địa phương nào đánh giá một cách thực chất sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và công bố công khai kết quả đánh giá đó sẽ đạt được những bước tiến lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Sáng 16/11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, chủ trì buổi làm việc trực tuyến với 3 bộ, 8 địa phương về tình hình triển khai cải cách thủ tục hành chính trong năm 2023.
Đồng chí Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Hải Dương.
3 Bộ dự buổi làm việc gồm: Bộ Quốc phòng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao. 8 địa phương là: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Tây Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và đánh giá cao các bộ, địa phương đã vượt qua khó khăn, chủ động thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính còn chậm, chưa hoàn thành theo tiến độ đề ra, chưa đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Thủ tướng nêu rõ còn những tồn tại cần chú ý khắc phục, như tình trạng chậm công bố thủ tục hành chính của các bộ làm ảnh hưởng đến việc công bố công khai của địa phương; thực hiện tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công chưa thực chất; dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp; việc số hóa vẫn còn chậm và chưa phát huy được hiệu quả; chưa cấp được kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử; tỉ lệ tái sử dụng dữ liệu số hóa còn rất thấp; chưa bảo đảm việc đồng bộ tình trạng hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đề cập đến một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, kiên trì, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chỉ thị số 27/CT-TTg, Quyết định số 933/QĐ-TTg và các chỉ đạo của Tổ công tác.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính hiện hành, đồng thời phải thận trọng, kiểm soát chặt chẽ quá trình ban hành thủ tục hành chính mới, bảo đảm các thủ tục hành chính dễ hiểu, dễ thực hiện và công bố đầy đủ, công khai, kịp thời theo quy định.
Các địa phương không được ban hành thủ tục hành chính nếu không được giao tại luật, nghị quyết của Quốc hội hoặc không được nghị quyết của HĐND giao để thực hiện biện pháp đặc thù của địa phương mình.
Phó Thủ tướng cho rằng bộ, ngành, địa phương nào đánh giá một cách thực chất sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp và công bố công khai kết quả đánh giá đó thì chắc chắn sẽ đạt được những bước tiến lớn trong công tác cải cách thủ tục hành chính.
Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông sớm hoàn thành tích hợp giải pháp ký số từ xa với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh trước ngày 15/12/2023; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ban hành định mức kinh tế-kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chínhtại bộ, ngành, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích; tham mưu sửa đổi, thay thế Nghị định số 73/2019/NĐ-CP của Chính phủ để tháo gỡ gó khăn, vướng mắc trong quản lý đầu tư về công nghệ thông tin nói chung và triển khai Đề án 06 nói riêng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ khó khăn, trong đó khó nhất và quan trọng nhất là thay đổi thói quen và cách nghĩ, vì thế các bộ, ngành phải tăng cường phối hợp, trao đổi, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm bởi thực tế cùng một điều kiện, nhưng vẫn có bộ, địa phương làm tốt hơn.
Báo cáo tại cuộc họp cho thấy về cắt giảm quy định kinh doanh, các bộ đều chưa hoàn thành theo chỉ tiêu cắt giảm 10% như mục tiêu của Chính phủ đề ra, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông còn 50 điều kiện kinh doanh chưa cắt giảm theo Quyết định 933 của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến dân cư tại các bộ còn chậm. Cụ thể, Bộ Quốc phòng chưa thực thi 5 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; Bộ Ngoại giao chưa thực thi đơn giản hóa 24 thủ tục hành chính, giấy tờ công dân; Bộ Thông tin và Truyền thông còn 12 nhóm thủ tục hành chính chưa thực thi cắt giảm, đơn giản hóa.
Đối với việc cải cách thực hiện thủ tục hành chính, việc công bố, công khai thủ tục hành chính tại các bộ, địa phương còn chưa kịp thời, đầy đủ. Các bộ, địa phương đều đã triển khai việc hợp nhất cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin "một cửa điện tử" thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.
Các bộ, địa phương đều chưa đồng bộ 100% hồ sơ thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Đà Nẵng đạt 91,5%, Tây Ninh đạt 60,16%, Cần Thơ đạt gần 60%, Hải Phòng đạt trên 45%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao là 40% trong năm 2023.
Về tỉ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chỉ tiêu Chính phủ giao năm 2023 là 30%, nhưng tỉnh Quảng Ninh đã đạt 100%. Hải Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Tây Ninh đều đạt từ 32% đến hơn 46%. Riêng Bộ Ngoại giao chưa triển khai việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Đối với việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra cho năm 2023 là 100%, Bộ Quốc phòng, Quảng Ninh, Hải Dương đạt tỉ lệ cao nhất, lần lượt là 99,8%, 97,2%, và 83,46%. Tuy nhiên, tỉ lệ thủ tục hành chính cấp kết quả điện tử và tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa còn rất thấp.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, địa phương đã nêu những tồn tại, hạn chế và "điểm nghẽn" trong triển khai cải cách thủ tục hành chính; đưa ra những kiến nghị, đề xuất; đồng thời đều cam kết sẽ nỗ lực để triển khai những nhiệm vụ về cải cách thủ tục hành chính được Chính phủ giao.