Nghề giáo xưa và nay
Tôi lớn lên, hiểu chuyện, biết điều chính nhờ những lần bị thầy cô phạt bằng chiếc thước gỗ.
Trong ký ức của tôi, những ngày học cấp 1, cấp 2 là những ngày tôi được lớn lên cùng những lần bị cô giáo phạt bằng chiếc thước gỗ. Cô phạt vì tôi và các bạn quên làm bài tập về nhà, vứt rác bừa bãi, không lễ phép, chưa chan hòa với bạn bè... Cô lấy thước đánh vào mu bàn tay, vào mông để học sinh đau mà nhớ. Cái thước cô dùng có khi nhỏ, có khi cũng to lắm.
Hồi ấy, mỗi thầy cô đến lớp đều có một chiếc thước gỗ vừa để dạy học, vừa để dạy học sinh làm người. Khi bị phạt, tôi ấm ức khóc, thấy đau nhưng không dám giận cô. Tôi cũng đã thấy sự xót xa trong ánh mắt cô giáo khi đánh phạt tôi. Ánh mắt như của một người mẹ đang dạy con với tất cả tình thương và tâm huyết chứ không phải đánh cho hả giận. Cứ thế, tôi lớn lên và thấm thía những bài học đầu đời. Tôi càng biết ơn thầy cô vì những lần phạt ấy bởi họ đã "thương cho roi cho vọt" để giúp tôi lớn lên.
Ngày nay, nếu tôi, hoặc bất cứ học sinh nào bị phạt như vậy có lẽ cô giáo tôi sẽ bị kiểm điểm. Tôi không còn thấy các thầy cô giáo xuất hiện cùng những chiếc thước ấy nữa. Có thể vì cơ sở vật chất, trang thiết bị cho việc dạy và học hiện đại nên thầy cô không cần dùng đến thước kẻ nữa. Và, giáo viên giờ không còn dạy học sinh bằng những lời trách mắng nặng lời chứ chưa nói tới việc dùng roi vọt.
Xã hội phát triển, đời sống nâng cao kéo theo nhiều hệ lụy. Tôi thấy xung quanh mình tất cả các bậc ông bà, bố mẹ hầu hết đều chiều chuộng, nâng niu, yêu thương, bảo vệ con cháu mình vô bờ bến. Nhiều ông bố, bà mẹ vừa làm việc, vừa mở điện thoại thông minh theo dõi camera xem ở lớp con mình học hành, ăn ngủ thế nào. Có người thấy con ngồi một mình hay chưa được các cô quan tâm một chút thôi là gọi điện nhắc nhở, phàn nàn ngay. Nhiều vụ việc do thầy cô cư xử chưa vừa ý phụ huynh, học sinh đã được tung lên mạng xã hội, rồi bị cộng đồng mạng, nhất là các phụ huynh học sinh chê trách, đả kích.
Dĩ nhiên, tôi không cổ xúy cho bạo lực, nhất là bạo lực học đường. Tôi cảm thông, chia sẻ với các thầy cô giáo ngày nay khi mang trong mình nhiều áp lực cùng với việc dạy học, phải chú ý rất nhiều điều khi dạy dỗ "con nhà người ta". Từng cử chỉ, hành động, phát ngôn đều phải chú ý nếu không sẽ nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích.
Phải chăng vì vậy mà mối quan hệ giữa thầy cô với học sinh không còn được gắn kết như xưa? Có phải sự nâng niu, bao bọc quá mức của nhiều phụ huynh, gia đình đã vô tình tạo nên bức tường thận trọng ngăn cách sự hết lòng của thầy cô giáo với con em chúng ta?
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đến gần, các thầy cô giáo sẽ hạnh phúc, yêu nghề hơn nếu họ nhận được sự cảm thông, thấu hiểu, chia sẻ của xã hội, phụ huynh, học sinh.