Ngăn “sát thủ" thầm lặng
Bệnh nghề nghiệp chính là "sát thủ" thầm lặng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người lao động.
Không thể coi thường
Anh Nguyễn Văn Đức quê ở xã Hồng Lạc (Thanh Hà) từng là công nhân cơ khí của một xưởng đóng tàu ở huyện Kim Thành. Thạo nghề lại được trả mức lương khá cao nên anh đã làm hơn chục năm và không muốn chuyển vị trí khác. Khi phải đi viện điều trị dài ngày anh Đức mới nhận ra mình đã bị mắc bệnh phổi từ lâu nhưng chủ quan không đi khám mà tự ý mua thuốc điều trị tại nhà.
Câu chuyện chia sẻ về nghề và những tháng ngày đằng đẵng ở bệnh viện của anh Đức liên tục bị ngắt quãng bởi những cơn đau tức ngực và tiếng thở rít nặng nề. Anh Đức cho biết: “Khi doanh nghiệp cho đi khám sức khỏe thì chủ quan nghĩ mình mới ngoài 30 tuổi sức khỏe tốt, ít khi ốm vặt nên không đi. Lúc giao mùa ho lâu ngày không khỏi thì cứ nghĩ mình bị viêm họng mãn tính. Đến khi uống thuốc ho mãi không khỏi, đau tức ngực, ngất đi khi đang làm việc, phải đi cấp cứu tôi mới biết mình bị tràn dịch màng phổi nặng do thường xuyên hít phải khí hàn và bụi kim loại”.
Xu thế hội nhập với những ngành nghề mới sử dụng nhiều hóa chất đang làm tăng số ca mắc bệnh nghề nghiệp cả cấp tính và mãn tính. Bệnh nghề nghiệp âm thầm ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động nếu không được quan tâm chăm sóc, phát hiện kịp thời.
Theo bác sĩ chuyên khoa I Lê Đức Minh, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương), bệnh nghề nghiệp phát sinh do người lao động tiếp xúc thường xuyên, làm việc lâu dài trong môi trường không bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Mắc bệnh nghề nghiệp nặng người lao động sẽ bị suy giảm khả năng làm việc, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc. Nhiều lao động mắc bệnh nghề nghiệp nặng phải nghỉ hưu sớm, trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội.
Tại Hải Dương, 10 tháng qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức quan trắc môi trường lao động, đo các yếu tố ảnh hưởng tới sức khoẻ người lao động tại hơn 200 đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức 50 lớp tập huấn cho hơn 5.000 người về công tác vệ sinh lao động và sơ cấp cứu ban đầu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp...
Anh Đoàn Xuân Khá, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH GFT Việt Nam (Tứ Kỳ) cho biết việc khám sức khỏe định kỳ, phát hiện bệnh nghề nghiệp sớm cũng là quyền lợi cần thiết cho người lao động. Khi tầm soát tốt bệnh nghề nghiệp, công ty có thể chủ động cải thiện môi trường, điều kiện sản xuất giúp công nhân yên tâm, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Tăng cường giám sát
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành kế hoạch chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2023-2030. Trong đó tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 có thể quản lý được 50% số cơ sở, doanh nghiệp có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp và nâng con số này lên 80% vào năm 2030. Tỉnh cũng phấn đấu đến năm 2025 có 30% số doanh nghiệp, cơ sơ sản xuất được kiểm tra, đánh giá thường xuyên về công tác quan trắc môi trường lao động.…
Để thực hiện tốt mục tiêu này, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng. Doanh nghiệp chủ động cải thiện điều kiện làm việc và tuân thủ nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn lao động thì bệnh nghề nghiệp cũng sẽ được ngăn chặn.
Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, thoáng khí, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra, đo lường. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động. Doanh nghiệp là "chìa khóa", yếu tố then chốt giúp người lao động phòng tránh bệnh nghề nghiệp.
Theo ông Bùi Quốc Trình, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, doanh nghiệp phải quan trắc và đánh giá môi trường lao động ít nhất 1 năm một lần theo quy định. Đây là yêu cầu bắt buộc giúp phát hiện sớm những tác động không tốt đối với người lao động trong khi làm việc tại doanh nghiệp. Để ngăn bệnh nghề nghiệp, doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định liên quan đến an toàn lao động. Người lao động cần nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe cho chính mình bằng cách trang bị đầy đủ bảo hộ lao động khi làm việc, tuân thủ quy trình sản xuất và mạnh dạn lên tiếng khi môi trường làm việc không bảo đảm, mất an toàn, dễ gây bệnh nghề nghiệp. “Đừng để đến khi mắc bệnh nghề nghiệp nặng người lao động mới yêu cầu doanh nghiệp bồi thường, thay đổi môi trường làm việc”, ông Trình nói.
Theo Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế), Hải Dương có 4 đơn vị đủ điều kiện quan trắc môi trường lao động gồm: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh; Trung tâm Quan trắc và Phân tích môi trường Hải Dương; Công ty CP Công nghệ và Phân tích chất lượng cao Hải Dương (TP Hải Dương) và Công ty TNHH An toàn và Môi trường Green ở thị trấn Lai Cách (Cẩm Giàng). Các đơn vị này đều đã thực hiện các thủ tục công bố tại Sở Y tế.