Xây dựng Đảng - Chính quyền

Không nên cào bằng mức hỗ trợ giáo viên mầm non

HẠNH DUYÊN 15/11/2023 18:51

Chiều 15/11, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với hai dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh.

ongxien.jpg
Các đại biểu tham gia hội nghị

Hai dự thảo Nghị quyết được đưa ra phản biện là: Quy định chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương và nội dung, mức hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ hạng 3 nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hội nghị có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh; đại diện một số sở, ngành và nhiều chuyên gia lĩnh vực liên quan; lãnh đạo một số địa phương trong tỉnh.

Theo dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí cho cán bộ quản lý, giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non công lập với mức hỗ trợ 1.000.000 đồng/người/tháng; hỗ trợ 12 tháng/năm (từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2025).

Theo dự thảo Nghị quyết về hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng chợ hạng 3 nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương, tỉnh hỗ trợ xây mới lại hoặc sửa chữa, nâng cấp chợ hạng 3 ở địa bàn nông thôn với mức 1,5 tỷ đồng/chợ xây mới, 1 tỷ đồng/chợ sửa chữa. Kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.

ongkhanh.jpg
Đại biểu tham gia góp ý vào hai dự thảo nghị quyết HĐND tỉnh

Tại hội nghị, đã có 10 ý kiến tham gia phản biện với 2 dự thảo nghị quyết, đều cho rằng việc ban hành 2 nghị quyết là cần thiết, phù hợpcác chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Góp ý vào dự thảo nghị quyết về hỗ trợ đối với cán bộ quản lý, giáo viên mầm non công lập, các đại biểu cho rằng, theo dự thảo nghị quyết, mức hỗ trợ vẫn mang tính cào bằng giữa người hưởng mức lương cao với người lương thấp, người ở trường có đủ giáo viên với trường thiếu giáo viên; giữa cán bộ quản lý trường lớn nhiều lớp với trường nhỏ ít lớp; giữa cán bộ quản lý với giáo viên trực tiếp nuôi dạy trẻ; giữa giáo viên biên chế lâu năm và giáo viên hợp đồng mới vào nghề… Tỉnh nên xem xét hỗ trợ cho từng đối tượng có mức thu nhập thấp .

Một số đại biểu cho rằng, mức hỗ trợ 12 triệu đồng/năm và thời gian 2 năm 2020-2025 có thể chỉ đạt được ý nghĩa như là trợ cấp khó khăn tạm thời, chưa mang tính căn cơ về chế độ để đủ hấp dẫn và giữ chân đội ngũ giáo viên. Đề nghị tỉnh sớm có kiến nghị với Nhà nước để tính toán lập mức lương, bậc lương cho giáo viên mầm non, giúp họ yên tâm công tác. Các đại biểu cũng đề xuất bổ sung đối tượng là giáo viên mầm non hợp đồng vào đối tượng điều chỉnh của nghị quyết bởi thực tế hiện nay ở bậc mầm non có khá nhiều giáo viên hợp đồng, có những người làm hợp đồng 5-7 năm.

Đối với dự thảo nghị quyết về hỗ trợ xây mới, sửa chữa, nâng cấp chợ hạng 3, một số đại biểu cũng đề xuất không nên thực hiện hỗ trợ cào bằng giữa các địa phương. Thực tế cho thấy, việc đầu tư xây dựng chợ mới và cải tạo, nâng cấp chợ cũ ở mỗi nơi một khác, quy mô và nhu cầu không giống nhau nên khi hỗ trợ số tiền giống nhau sẽ dẫn đến thiếu thừa, không đồng bộ và thiếu kiểm soát theo Luật Xây dựng.

Các đại biểu đề nghị, tỉnh nên có phương án khảo sát, đánh giá hiện trạng nhu cầu xây dựng mới hoặc cải tạo cũ của các chợ để hỗ trợ phù hợp thực tế. Có cơ chế ưu tiên các chợ có tính truyền thống, làng nghề, nơi vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn... Đồng thời, tỉnh cũng đánh giá nhu cầu mua sắm của người dân tại các chợ bởi hiện nay, thương mại điện tử, các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích ngày càng phát triển tại các thôn, khu dân cư khiến chợ nông thôn có xu hướng thu hẹp dần...

Sau hội nghị, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý để chuyển đến các cơ quan dự thảo các nghị quyết, làm cơ sở tham mưu HĐND, UBND tỉnh sớm ban hành các chính sách hỗ trợ, ưu đãi.

HẠNH DUYÊN