Góc nhìn

Chuyển từ làm thay sang hướng dẫn

TRƯƠNG HÀ 16/11/2023 07:33

Ở một số đơn vị, địa phương trong tỉnh Hải Dương vẫn còn có công chức làm thay, làm hộ công dân khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.

ktra-cchc-dong-cam(1).jpg
Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra cải cách hành chính tại xã Đồng Cẩm (Kim Thành). Ảnh minh họa

Thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có nhiều chuyển biến, chất lượng ngày càng được nâng lên; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ngày càng cao; tỷ lệ hồ sơ phát sinh nghĩa vụ tài chính, phí, lệ phí được thanh toán trực tuyến dần được cải thiện. Tuy nhiên, ở một số địa phương, đơn vị chất lượng cải cách thủ tục hành chính còn mang tính hình thức, có biểu hiện chạy theo thành tích.

Tháng 10/2023, tôi đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của một xã ở Hải Dương. Sau khi nộp hồ sơ đề nghị giải quyết, công chức phụ trách lĩnh vực hộ tịch tư pháp hướng dẫn tôi nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, khi đăng nhập vào hệ thống dịch vụ liên tục báo lỗi. Chỉ đến khi công chức tại bộ phận “một cửa” tại đây làm hộ tôi toàn bộ các bước nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính thì mới thực hiện được. Đáng nói là để giải quyết một hồ sơ trực tuyến mất rất nhiều thời gian (khoảng 30 phút/hồ sơ) trong khi rất nhiều người đến giải quyết thủ tục hành chính cũng trong tình trạng như tôi, không tự thao tác, không nộp được hồ sơ trên không gian mạng. Công chức tại bộ phận “một cửa” phải làm thay, làm hộ.

Thực tế này đang diễn ra khá phổ biến tại nhiều đơn vị, địa phương. Không ít địa phương còn bố trí riêng công chức làm việc này. Nguyên nhân chính là do chỉ tiêu giao tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, thanh toán trực tuyến của tỉnh đối với các địa phương, đơn vị hiện nay quá cao, gây áp lực cho các cơ quan, đơn vị. Nếu không đạt chỉ tiêu, đồng nghĩa với việc chất lượng chỉ số cải cách hành chính bị ảnh hưởng. Nhiều công chức phải làm thêm giờ, ngày nghỉ bởi khối lượng công việc liên quan thủ tục hành chính ngày càng lớn.

Theo báo cáo của Văn phòng UBND tỉnh, 10 tháng năm 2023, các sở, ban, ngành cấp tỉnh tiếp nhận trên 299.000 hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 54,28%; cấp huyện tiếp nhận 560.519 hồ sơ thủ tục hành chính, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 95%. Tỷ lệ hồ sơ nộp qua dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đạt ở mức cao nhưng có thể thấy chưa thực chất, hiệu quả. Việc làm thay, làm hộ còn nhiều.

Để nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính, tránh hình thức, thành tích trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến, thanh toán trực tuyến, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính. Rà soát, tái cấu trúc quy trình giải quyết thủ tục hành chính; lựa chọn, đề xuất những thủ tục hành chính gắn trực tiếp người dân, doanh nghiệp để cung cấp dịch vụ công trực tuyến bảo đảm thực chất, hiệu quả. Từng bước thay đổi tư duy của cán bộ, công chức, viên chức từ làm thay, làm hộ sang hỗ trợ, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp tự nâng cao kỹ năng số, tự nộp hồ sơ trực tuyến từ xa và thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công. Đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và giúp người dân, doanh nghiệp thực hiện, giám sát, đánh giá việc thực hiện của người thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa triệt để quy trình, thao tác nộp hồ sơ và thanh toán trực tuyến tạo thuận lợi cho nhân dân.

TRƯƠNG HÀ