Dự kiến có 30 đại học trọng điểm ở Việt Nam
Việt Nam sẽ có 30 đại học trọng điểm, tiến vào các bảng xếp hạng thế giới, gồm 5 đại học quốc gia, 18-20 trường trọng điểm ngành và 5 đại học vùng, theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thông tin trên được đề cập trong dự thảo quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (trừ các trường thuộc Bộ Công an, Quốc phòng, các trường cao đẳng sư phạm), do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì.
Theo đó, bộ dự kiến đến năm 2030, cả nước có khoảng 250 cơ sở giáo dục đại học và 50 phân hiệu. Trong đó có 30 cơ sở đào tạo trọng điểm (gồm 5 đại học quốc gia, 5 đại học vùng, 18-20 trường trọng điểm ngành).
Cụ thể, ngoài hai Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Huế, Đà Nẵng dự kiến trở thành đại học quốc gia vào năm 2030. Các cơ sở đào tạo này sẽ có quyền tự chủ cao hơn các mô hình còn lại, có sứ mạng dẫn dắt và vai trò nòng cốt thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia về phát triển nhân tài, nhân lực chất lượng cao, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Do đó, các đại học này phải có năng lực, uy tín và chất lượng đứng đầu cả nước về khoa học, kỹ thuật, công nghệ và một số lĩnh vực, ngành trọng điểm khác của quốc gia. Mục tiêu là các đại học quốc gia vào nhóm hàng đầu châu Á, có ít nhất 20 lĩnh vực nằm trong top 1.000 của các bảng xếp hạng quốc tế uy tín.
Quy mô và lĩnh vực trọng điểm của 5 đại học quốc gia (dự kiến):
Đại học Quốc gia | Quy mô sinh viên | Lĩnh vực, ngành trọng điểm |
Hà Nội | 65.000-70.000 | Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, giáo dục và sư phạm, xã hội và nhân văn |
TP Hồ Chí Minh | 120.000-130.000 | Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, xã hội và nhân văn |
Đà Nẵng | 60.000-65.000 | Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến, sư phạm, tài chính |
Huế | 60.000-65.000 | Khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn, nghệ thuật, giáo dục và SP, y dược, nông lâm, du lịch |
Bách khoa Hà Nội | 45.000-50.000 | Khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, sản xuất và chế biến |
Với các trường đại học trọng điểm ngành, bộ cho biết mỗi ngành sẽ có 1-2 trường, tổng số lượng khoảng 18-20. Những trường này sẽ được chú trọng nâng cao chất lượng, tăng quy mô đào tạo sau đại học gắn với phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Từ đó, ít nhất 20 lĩnh vực có mặt trong các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín.
18 trường đại học trọng điểm ngành quốc gia, theo đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Trường đại học trọng điểm | Ngành |
Sư phạm Hà Nội | Giáo dục và sư phạm |
Sư phạm TP Hồ Chí Minh | Giáo dục và sư phạm |
Y Hà Nội | Y dược |
Y Dược TP Hồ Chí Minh | Y dược |
Luật Hà Nội | Luật pháp |
Luật TP Hồ Chí Minh | Luật pháp |
Kinh tế quốc dân | Kinh tế và tài chính |
Kinh tế TP Hồ Chí Minh | Kinh tế và tài chính |
Hàng hải Việt Nam | Giao thông - vận tải, kinh tế biển |
Giao thông vận tải | Giao thông - vận tải |
Xây dựng Hà Nội | Xây dựng và kiến trúc |
Học viện Nông nghiệp Việt Nam | Nông nghiệp |
Học viện Báo chí và Tuyên truyền | Báo chí và truyền thông |
Học viện Bưu chính viễn thông | Thông tin, truyền thông |
Học viện Hành chính quốc gia | Hành chính |
Học viện Tài chính | Tài chính |
Học viện Âm nhạc quốc gia | Nghệ thuật |
Sân khấu điện ảnh | Nghệ thuật |
Bốn trường được quy hoạch là đại học vùng, bên cạnh Đại học Thái Nguyên, gồm: Trường Đại học Vinh, Nha Trang, Tây Nguyên, Cần Thơ.
Với các trường đào tạo giáo viên, bộ dự kiến sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, căn cứ năng lực và uy tín, khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên của các địa phương, từng vùng và cả nước.
Đến năm 2030, cả nước có khoảng 50 cơ sở giáo dục đại học đào tạo giáo viên các trình độ. Trong đó, 11 trường giữ vai trò hạt nhân với khoảng 50% tổng quy mô đào tạo sư phạm toàn quốc.
Những trường này là: Sư phạm Hà Nội, Sư phạm 2, Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm (thuộc Đại học Huế, Thái Nguyên, Đà Nẵng), Trường Đại học Giáo dục (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Vinh, Quy Nhơn, Tây Nguyên, Cần Thơ.
Cũng theo dự thảo này, những trường đại học công lập không đạt chuẩn của bộ sẽ được tái cấu trúc, tập trung đầu tư để đạt chuẩn trong 3-5 năm; sáp nhập vào trường khác; hoặc đình chỉ hoạt động trước năm 2028 và giải thể trước năm 2030. Cách làm cũng tương tự với các phân hiệu trường đại học không đạt chuẩn.
Trong giai đoạn tới, bộ không chủ trương thành lập đại học công lập mới, trừ một số trường hợp đặc biệt.
Việt Nam từng quy hoạch mạng lưới đại học vào năm 2013. Một số mục tiêu đến năm 2020 là cả nước có 460 cơ sở giáo dục đại học (224 trường đại học, 236 trường cao đẳng), với 2,2 triệu sinh viên. Ngoài ra, một cơ sở đào tạo lọt top 200 thế giới, khoảng 3% tổng số sinh viên là người nước ngoài.
Hiện, cả nước có khoảng 650 cơ sở giáo dục đại học (gồm 244 đại học, trường đại học, còn lại là cao đẳng) với 2,1 triệu sinh viên. Trong đó, 4 trường lọt top 1000 của hai bảng xếp hạng đại học uy tín thế giới là THE và QS, thứ hạng cao nhất là 514. Số sinh viên quốc tế ở Việt Nam khoảng 45.000, tương đương hơn 2% tổng số sinh viên.
Quy hoạch mạng lưới đại học đến 2030, tầm nhìn tới 2050 được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm học này. Mục tiêu là củng cố, phát triển hệ thống giáo dục đại học Việt Nam theo hướng đồng bộ, hiện đại và mạch lạc, tạo một hệ thống mở, công bằng, chất lượng với quy mô và cơ cấu hợp lý. Về lâu dài, quy hoạch này sẽ giúp Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có hệ thống giáo dục đại học tiên tiến trong khu vực.
Về xây dựng đại học trọng điểm, Trung Quốc được coi là hình mẫu thành công. Năm 1995, nước này ra mắt chương trình 211, đầu tư khoảng 100 đại học trọng điểm quốc gia. Theo một số thông tin, tổng số tiền đổ vào dự án này từ năm 1996 đến 2000 là 2,2 tỷ USD.
Ba năm sau, dự án 985 ra đời với mục tiêu xây dựng các đại học Trung Quốc đẳng cấp thế giới. Thanh Hoa và Bắc Kinh là hai trường đầu tiên tham gia dự án trong ba năm liên tiếp, được đầu tư hơn 1,8 tỷ nhân dân tệ một năm (khoảng 6.000 tỷ đồng). Hiện, gần 40 trường thuộc danh sách này.
Năm 2017, Bộ Giáo dục Trung Quốc công bố chương trình World Class 2.0 với hai mục tiêu: phát triển đại học đẳng cấp quốc tế và đào tạo hàng đầu thế giới.
Đến nay, Trung Quốc có khoảng 2.700 đại học. Trong đó, 13 trường thuộc top 200 tốt nhất thế giới. Nếu tính đến top 400, Trung Quốc có 30 đại diện. Hai trường hàng đầu là Thanh Hoa và Bắc Kinh đều thuộc top 20, riêng Thanh Hoa đang tiến sát vào top 10.