Anh cải tổ sâu rộng nội các
Cựu Thủ tướng Anh David Cameron bất ngờ trở lại chính trường, đảm nhiệm chức ngoại trưởng, cùng với đó là một loạt sự thay đổi trong nội các trước thềm tổng tuyển cử vào năm tới.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 13/11 sa thải Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman vì những chỉ trích của bà về cách cảnh sát đối xử với người biểu tình ủng hộ Palestine.
Ngoại trưởng James Cleverly chuyển sang làm bộ trưởng nội vụ thay bà Braverman. Cựu Thủ tướng David Cameron thay thế vị trí người đứng đầu Bộ Ngoại giao của ông James Cleverly.
Sự trở lại bất ngờ của ông Cameron
Ông Cameron từ chức thủ tướng vào năm 2016 sau thất bại trong cuộc trưng cầu ý dân về Brexit (nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).
Cựu thủ tướng cho biết ông "vui vẻ chấp nhận" vai trò mới (ngoại trưởng) khi nước Anh phải đối mặt với "một loạt thách thức quốc tế khó khăn".
"Mặc dù tôi không tham gia chính trường trong 7 năm qua nhưng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của mình - với tư cách là lãnh đạo Đảng Bảo thủ trong 11 năm và thủ tướng trong 6 năm - sẽ giúp thủ tướng giải quyết những thách thức quan trọng", ông Cameron nói, trích dẫn hai cuộc xung đột Israel - Hamas và Nga - Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, kinh nghiệm của ông Cameron cũng chính là lý do Thủ tướng Sunak muốn ông quay lại nội các, dù trước đó cả hai đã xung đột công khai về nhiều vấn đề lớn.
Năm ngoái, ông Sunak cho rằng "kỷ nguyên vàng" của mối quan hệ nồng ấm giữa Anh và Trung Quốc trong nhiệm kỳ 2010-2016 của ông Cameron là "ngây thơ". Trong khi ông Cameron gần đây đã chỉ trích quyết định hủy bỏ một phần của dự án đường sắt cao tốc của ông Sunak.
"Tất nhiên là tôi không đồng ý với một số quyết định cá nhân nhưng chính trị là công việc tập thể", ông Cameron viết trên Facebook cá nhân, đồng thời ca ngợi ông Sunak là "thủ tướng tốt".
Cải tổ trước những thách thức
Trong ngày 13/11, ông Cameron đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ông Blinken đã chúc mừng ông Cameron, đồng thời đề cập ngay đến quan hệ Mỹ - Anh, xung đột Israel - Hamas, cuộc chiến ở Ukraine và quan hệ với Trung Quốc.
Ông Tim Bale, giáo sư chính trị tại Đại học Queen Mary ở London, cho biết Thủ tướng Sunak kỳ vọng thu hút được những cử tri ôn hòa ngày càng bất mãn, nhưng ông Bale không chắc chắn điều đó sẽ tạo ra nhiều khác biệt.
Theo hãng tin AFP, cuộc thăm dò vào tháng 9 cho thấy 45% người trưởng thành ở Vương quốc Anh cảm thấy không ưa ông Cameron, trong khi chỉ khoảng 1/4 thích cựu thủ tướng.
"Tôi thực sự nghĩ rằng họ đã hết ý tưởng và hết người đáng tin cậy để đảm nhận 4 vị trí cấp cao trong nội các", ông Nick Waymark, 59 tuổi, nói với AFP.
Thư ký báo chí của Thủ tướng Sunak cho biết cải tổ lần này nhằm tạo ra "đội ngũ mạnh mẽ, hiệu quả", sau khi Chính phủ liên tục bị chỉ trích vì không đáp ứng được một số cam kết.
Hiện tại, Đảng Lao động đối lập đang giữ vị trí dẫn đầu, cách khoảng 20 điểm so với Đảng Bảo thủ của ông Sunak trong các cuộc thăm dò. Do đó, hãng tin Reuters đánh giá trong lần cải tổ này, ông Sunak muốn tô đậm bản thân với tư cách là đại diện của sự thay đổi.
Trong đợt cải tổ ngày 13/11, có 6 vị trí thay đổi:
Ngoại trưởng: ông David Cameron - thay ông James Cleverly
Bộ trưởng Nội vụ: ông James Cleverly - thay bà Suella Braverman
Chủ tịch Đảng Bảo thủ: ông Richard Holden - thay ông Greg Hands
Bộ trưởng Tài chính: bà Laura Trott - thay ông John Glen
Bộ trưởng Môi trường: ông Steve Barclay - thay bà Therese Coffey
Bộ trưởng Y tế: bà Victoria Atkins - thay ông Steve Barclay.