Ở những khu dân cư “đoàn kết”
Sự đoàn kết của người dân đã tạo nên sức mạnh tổng hợp giúp nhiều thôn, khu dân cư ở Hải Dương ngày càng phát triển, văn minh.
Người Bái Thượng hợp sức vì quê hương
Thôn Bái Thượng, xã Toàn Thắng (Gia Lộc) là địa phương thuần nông nhưng có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Hơn 1 năm trước, thôn đã khánh thành nhà văn hoá thuộc diện to đẹp nhất nhì tỉnh Hải Dương với tổng kinh phí xây dựng gần 5 tỷ đồng. Trong 2 năm 2022-2023, thôn đã hoàn thành nâng cấp, cải tạo hầu hết các tuyến đường theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Sân vận động thôn cũng thuộc diện to đẹp nhất vùng, với nhiều dụng cụ tập thể dục. Ngoài hỗ trợ từ Nhà nước, phần lớn kinh phí thực hiện những công việc này do người dân trong thôn và con em xa quê đóng góp. Nhiều cá nhân ủng hộ từ vài chục triệu đến hơn 200 triệu đồng.
Ông Đoàn Văn Tuẫn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bái Thượng khẳng định tinh thần đoàn kết của nhân dân trên mọi lĩnh vực chính là chìa khoá giúp quê hương ngày càng phát triển, văn minh. Bà con đã tích cực hỗ trợ nhau về giống vốn, kinh nghiệm, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, hình thành nên những vùng chuyên canh rau màu có hiệu quả kinh tế cao, phát triển mô hình nhà màng, nhà lưới. Tận dụng quốc lộ 38B đi qua, nhiều hộ phát triển kinh doanh, dịch vụ. Năm nay, thu nhập bình quân đầu người của người dân trong thôn ước đạt trên 65 triệu đồng. “Có điều kiện, bà con bảo ban, động viên nhau tham gia các công việc chung của thôn. Nhiều việc lớn, việc khó của thôn chỉ cần minh bạch, rõ ràng, cán bộ, đảng viên gương mẫu đi trước là nhân dân đồng tình làm theo”, ông Tuẫn chia sẻ.
Nhân dân Nhân Đào chung tay bảo vệ môi trường
Phố Mạc Đĩnh Chi thuộc khu Nhân Đào (thị trấn Nam Sách) những năm trước thường xuyên mất mỹ quan do người dân vứt rác bừa bãi và chiếm dụng lòng đường, vỉa hè để bán hàng. Nhưng hiện nay, con phố này đã trở thành “tuyến phố văn minh kiểu mẫu”. Vỉa hè, lòng đường không có rác thải. “Hàng xóm tự giám sát, nhắc nhở nhau giữ vệ sinh chung. Phát hiện ai đổ rác, đỗ xe không đúng nơi quy định hoặc lấn chiếm lòng lề đường là chúng tôi báo ngay cho cán bộ khu đến chấn chỉnh”, anh Bùi Thứ Nhất ở khu Nhân Đào thông tin.
Ở các tuyến phố, ngõ xóm khác thuộc khu dân cư Nhân Đào, hầu hết người dân đều tích cực phân loại rác thải tại nguồn, không xả rác bừa bãi. Hằng tháng, cán bộ, nhân dân trong khu ra quân tổng vệ sinh môi trường, chặt tỉa, chăm sóc cây xanh, trồng hoa trên các tuyến phố… “Tinh thần đoàn kết, ý thức, trách nhiệm cộng đồng được phát huy đã giúp khu dân cư này trở thành một điển hình về bảo vệ môi trường, xây dựng đô thị văn minh kiểu mẫu”, Chủ tịch MTTQ thị trấn Nam Sách Nguyễn Thị Bến nói.
Người Cộng Lạc trách nhiệm với “Tiếng kẻng an ninh”
Lâu nay, cứ 22 giờ hằng ngày, anh Nguyễn Văn Thới ở thôn Bình Hàn, xã Cộng Lạc (Tứ Kỳ) lại ra trước nhà gõ kẻng để nhắc nhở người dân hạn chế ra đường, không tập trung đông người, kiểm tra tài sản, khóa cửa trước khi đi ngủ. Đêm đến, anh cùng 20 thành viên là những người dân tự nguyện thay phiên đi tuần tra, “canh giấc” cho nhân dân. “Từ ngày triển khai mô hình Tiếng kẻng an ninh, quê tôi bình yên lắm, rất hiếm khi xảy ra các vụ trộm cắp, mất an ninh trật tự”, anh Thới kể.
Mô hình “Tiếng kẻng an ninh” được Công an xã Cộng Lạc tham mưu triển khai ở cả 5 thôn từ năm 2020. Mỗi thôn được lắp đặt 1 chiếc kẻng báo hiệu và do 1 thành viên được phân công làm nhiệm vụ gõ kẻng vào 22 giờ hằng ngày hoặc đột xuất theo quy ước khi xảy ra những vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Đến nay, mô hình “Tiếng kẻng an ninh” ở đây đã huy động được 120 thành viên tham gia. Từ khi có “Tiếng kẻng an ninh”, nhân dân và Công an xã Cộng Lạc đã kịp thời phối hợp phát hiện, bắt giữ và xử lý 12 vụ trộm cắp tài sản, 4 vụ cố ý gây thương tích, nhiều vụ việc liên quan đến ma túy, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, đốt pháo trái phép… Đại uý Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Trưởng Công an xã Cộng Lạc thông tin: “Nhờ có sự đoàn kết, hợp sức của nhân dân, tình hình an ninh trật tự địa phương có nhiều chuyển biến tích cực”.
Không thể kể hết những thôn, khu dân cư đoàn kết ở Hải Dương. Mỗi nơi có cách làm, thành quả riêng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, góp phần phát triển quê hương. Nhưng một đặc điểm chung ở những thôn, khu dân cư này là đều coi trọng bồi đắp khối đại đoàn kết toàn dân, lấy sức dân làm gốc trong thực hiện mọi công việc. Tất cả đã chứng minh những lời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy lúc sinh thời: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.