Đời sống văn hóa

Đạo diễn Hoàng Công Cường muốn đưa gốm Việt ra thế giới

Theo Vietnamnet 13/11/2023 07:04

Đạo diễn Hoàng Công Cường tâm sự anh và các cộng sự muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa chúng ra thế giới.

Trung tâm Ngàn năm gốm Việt vừa chính thức ra mắt tại Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội với sự tham dự của đông đảo khách mời cùng những người yêu gốm Việt như: NSƯT Xuân Bắc, nhạc sĩ Huy Tuấn, ca sĩ Việt Hoàn, Tô Minh Thắng, Phạm Quỳnh Anh, MC Đặng Diễm Quỳnh, Đức Bảo, Hồng Nhung, biên tập viên Hoài Anh, Hoàng Trang, siêu mẫu Hạ Vy…

1j5a1683.jpg
Đạo diễn Hoàng Công Cường và BTV Hoài Anh

Trung tâm Ngàn năm gốm Việt là tâm huyết của nghệ nhân ưu tú Phạm Đạt, Chủ tịch Ngàn năm gốm Việt Nguyễn Trung Thành – Tổng Giám đốc, đạo diễn Hoàng Công Cường - Phó Chủ tịch và các đồng sáng lập khác với ước mong phục hồi di sản gốm hoa nâu ngàn năm của người Việt, đồng thời kiến tạo nên các bộ quà tặng độc bản, các đồ gia bảo để lưu lại muôn đời sau. Mỗi một sản phẩm được ra đời là một công trình về văn hóa, một biểu tượng của lịch sử và thời gian, những dấu ấn của các cá nhân sẽ được hiện thực hóa trong sản phẩm của trung tâm.

Các nhà sáng lập trung tâm mong ước gây dựng một ngôi nhà chung, nơi hội tụ của người yêu gốm, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu và đặc biệt là những người sưu tầm trong lĩnh vực gốm và nghệ thuật thủ công. Tại đây, các chuyên gia, nghệ nhân và khách hàng cùng nhau thảo luận, bàn thảo để sáng tạo ra những mẫu sản phẩm độc bản, tạo nên những câu chuyện, những bộ sưu tập có giá trị gia bảo lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Nhiều nghệ sĩ tới chúc mừng đạo diễn Hoàng Công Cường và cộng sự

Ông Nguyễn Trung Thành, Tổng Giám đốc của Ngàn năm gốm Việt cho biết, từng đọc được câu "chúng ta là sự tiếp nối của tổ tiên” trong cuốn sách của sư ông làng Mai - Thiền sư Thích Nhất Hạnh nên rất tâm đắc.

“Tôi và những cộng sự luôn văng vẳng câu hỏi: “Chúng ta sẽ để lại gì cho mai sau? Mỗi người chúng ta ngồi đây không ít lần nếm trải những niềm vui và nỗi buồn, nếm trải thăng trầm của cuộc sống... Vậy làm sao để lưu giữ lại những cảm xúc đặc biệt đó? Chúng tôi đã nghiên cứu và tạo ra những chiếc bình gốm độc bản, cá nhân hóa gắn liền với tâm tư, nguyện vọng, câu chuyện riêng của từng chủ nhân. Chiếc bình như một bảo vật may mắn lưu giữ quá khứ - hiện tại - tương lai của những người có duyên sở hữu và được truyền từ đời này sang đời khác... giống như một gia bảo truyền đời để giáo dục con cái và thế hệ sau...” – ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

1j5a1786.jpg
NSƯT Xuân Bắc trải nghiệm làm gốm tại trung tâm

Trong khi đó, đạo diễn Hoàng Công Cường tâm sự anh và các cộng sự tại Ngàn năm gốm Việt muốn nâng tầm gốm Việt, đặc biệt là sản phẩm của Bát Tràng, bằng cách đưa những sản phẩm tinh xảo này đi ra thế giới.

“Mỗi sản phẩm gốm của chúng tôi đều độc bản, nó mang câu chuyện riêng của cá nhân, được đắp thêm tâm huyết, sự tinh xảo của những bàn tay người thợ thủ công. Mỗi sản phẩm đều là báu vật của người tiêu dùng cũng như người đam mê sưu tầm gốm” – đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ.

Đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ thêm, ước mơ của anh và cộng sự là mỗi sản phẩm của Ngàn năm gốm Việt khi đi ra thế giới có thể sánh ngang với những thương hiệu lớn của các quốc gia trên thế giới.

Bình Long Phi và Bình gốm Hoa Nâu

"Chúng tôi cũng có tham vọng các thương hiệu lớn trên thế giới làm vỏ hộp cho gốm hoa nâu của Ngàn năm gốm Việt” để sản phẩm Việt Nam có thể đi nhiều hơn, ấn tượng hơn. Chúng tôi kỳ vọng gốm Việt sẽ được kết hợp với các thương hiệu lớn nổi tiếng toàn cầu để khẳng định tầm vóc và vị trí của mình trên thế giới” - đạo diễn Hoàng Công Cường nhấn mạnh.

Trung tâm Ngàn năm gốm Việt đã và đang nghiên cứu, chế tác nhằm tiến tới khôi phục lại dòng gốm hoa nâu, một dòng gốm thuần Việt được chế tác và phát triển rực rỡ dưới thời Lý - Trần, với mong ước đưa những sản phẩm gốm hoa nâu này trưng bày trong các không gian đương đại, cũng như trở thành những quà tặng văn hóa của quốc gia.

Cũng nhân dịp này, bộ sưu tập độc bản Long Phi vận hội đã được giới thiệu đến những người yêu gốm Việt với 100 sản phẩm độc bản điêu khắc rồng trên gốm.

Mùa thu năm 1010, Vua Lý Công Uẩn xuống “Chiếu dời đô”, chuyển kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đặt định vị trí đế đô của nhà Lý và cũng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trong cuộc khởi đầu của bình minh Thăng Long ấy, lịch sử ngàn năm gốm Việt đã được khởi tạo với sự ra đời của các trung tâm sản xuất gốm sứ nổi tiếng tại Thăng Long, Bát Tràng, Kim Lan, rồi tới Chu Đậu. Đây là minh chứng cho sự phồn vinh và thịnh vượng của văn minh Đại Việt.

Các quốc bảo đồ gốm hoa nâu với màu sắc nâu trầm thuần Việt, hoa văn đượm chất Phật giáo đã trở thành một phát minh độc đáo, một truyền thống riêng biệt và một di sản trường tồn của người Việt kể từ đó.

Mùa xuân năm Mậu Thìn 1428, Lê Lợi đánh bại quân Minh lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Thuận Thiên, định đô tại Thăng Long, khởi đầu cho một kỷ nguyên “Long Phi vận hội” của dân tộc Việt Nam.

Chào đón năm Giáp Thìn 2024, các nghệ nhân và chuyên gia của Ngàn năm gốm Việt đã dày công nghiên cứu, phục dựng và hồi sinh hình tượng rồng Việt qua ngàn năm lịch sử, từ thời Lý, thời Trần, thời Lê đến thời Nguyễn. Các tác phẩm Long Phi với cảm hứng từ hình tượng rồng Việt, thể hiện ước mong về một năm Giáp Thìn đầy may mắn và mạnh mẽ để nắm bắt những vận hội mới, ước vọng về những kỳ tích “cá chép hóa rồng” hay “cá chép vượt vũ môn”.

Mỗi tác phẩm là một tác phẩm điêu khắc gốm độc bản được các nghệ nhân của Trung tâm chế tác tỉ mỉ trong nhiều tháng trời, với mong ước mang đến vượng khí và tài lộc, may mắn cho chủ nhân tương lai của các tác phẩm này. Đây không chỉ là những tác phẩm điêu khắc gốm đơn thuần, mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa lâu đời và những câu chuyện di sản ngàn năm.

Theo Vietnamnet