Báu vật của người đàn ông Thanh Hoá khiến nhiều người nhớ kỷ niệm xưa
Trong số hàng nghìn hiện vật sưu tầm được trong 30 năm qua, người đàn ông quê Thanh Hoá rất tâm đắc với những chiếc xe đạp xưa, bởi nó gắn liền với ký ức và tuổi thơ của ông.
Những chiếc xe lưu giữ ký ức
Về thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) hỏi nhà ông Nguyễn Hữu Ngôn (62 tuổi) ai cũng biết. Họ biết tới ông bởi trước đây ông từng là nhà giáo, sau này công tác ở UBND huyện và làm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Thanh Hóa. Hiện ông Ngôn đã nghỉ hưu.
Mỗi buổi chiều, hình ảnh một ông lão đạp chiếc xe đạp cổ dạo quanh khu phố khiến nhiều người nhớ lại những kỷ niệm xưa.
Ngày còn công tác, ông Ngôn đã có sở thích sưu tầm những nông cụ gắn liền với đời sống của người nông dân như: cái cuốc, cái liềm, cối xay, đèn dầu… trong đó có cả những chiếc xe đạp cũ.
Đến nay ông Ngôn đã sưu tầm được hơn 3.000 đồ vật các loại. Với mong muốn những hiện vật của mình sẽ là minh chứng để giáo dục truyền thống cho các thế hệ con, cháu sau này cảm nhận hết nỗi vất vả, lam lũ của thế hệ trước ông Ngôn đã tặng cả nghìn hiện vật cho huyện Hoằng Hóa trưng bày tại Nhà truyền thống, làm nơi tham quan của các du khách trong và ngoài tỉnh.
Theo ông Ngôn, trong số hàng nghìn hiện vật mà ông sưu tầm được, ông rất tâm đắc với những chiếc xe đạp xưa, bởi nó gắn liền với ký ức và tuổi thơ của ông.
“Sở dĩ tôi đam mê sưu tầm xe đạp xưa vì nó gắn bó với tuổi thơ, những năm tháng đi học cấp 3 xa nhà. Ngày đó, nhà tôi có cái xe đạp cũ kỹ, còn xe Phượng Hoàng hay Favorit thì rất hiếm, cả xã may ra chỉ có một đến hai nhà có điều kiện về kinh tế mới sở hữu được nó”, ông Ngôn kể lại.
Theo ông Ngôn, vào những năm 1975, sau khi thống nhất đất nước, anh bộ đội trở về quê hương với hành trang mang theo thường là chiếc ba lô với con búp bê xinh xắn và chiếc khung xe đạp… Điều đó cho thấy giá trị của những chiếc xe đạp thời bấy giờ rất lớn, chính vì vậy ông muốn sưu tầm những chiếc xe đạp để lưu giữ ký ức xưa.
Bộ sưu tập ấn tượng
Đến nay ông Ngôn đang sở hữu gần 50 chiếc xe đạp cổ với các dòng xe đạp nổi tiếng như: Peugeot, Sterling (Pháp), Favorit (Tiệp Khắc), Diamant (Đức), Phượng Hoàng (Trung Quốc), hay xe đạp Thống Nhất nức tiếng thời bao cấp của Việt Nam.
Trong bộ sưu tập xe của mình, ông Ngôn ấn tượng nhất với chiếc xe đạp Thống Nhất do Việt Nam sản xuất những năm 1960 của một cán bộ xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Theo ông Ngôn, điểm thú vị ở chiếc xe này là không chỉ được giữ gìn gần như nguyên bản mà còn rất rõ ràng về lý lịch, tên tuổi người sử dụng xe.
“Cổ nhất là chiếc xe đạp hiệu Motobecane sản xuất tại Pháp năm 1930, “trẻ” nhất là chiếc xe đạp nữ Thống Nhất sản xuất năm 1972. Cùng với đó là xe đạp Phượng Hoàng của Trung Quốc, xe favorit của Tiệp Khắc (cũ), xe sterling của Pháp, xe mifa của Đức, xe Hữu Nghị của Việt Nam... Phần lớn các loại xe đều được sản xuất trong các thập niên 50, 60 của thế kỷ trước”, ông Ngôn tiết lộ.
Theo ông Ngôn, nhiều người sưu tầm xe thường quan tâm đến hiện vật. Đối với ông, không chỉ sưu tầm về hiện vật ông còn tìm hiểu về văn hóa - lịch sử. Thậm chí, ông còn quan tâm đến hồn cốt của chiếc xe gắn liền với tên tuổi của người sử dụng và cả bối cảnh của thời kỳ ấy.
Hiện tại, bộ sưu tập của ông Ngôn không chỉ có xe mà còn có các bộ phận của xe đạp như 15 chiếc khung xe, 25 bộ đèn xe, 7 bộ giấy đăng ký xe đạp. Mới đây ông Ngôn còn sưu tập được 3 chiếc xe đạp Sông Mã sản xuất tại Thanh Hóa và nhiều chủng loại xe đạp cũ khác sản xuất tại các địa phương khác như Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phú (cũ)…