Sức sống nghề chạm khắc đá Kính Chủ

Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 06:35, 10/11/2023

Nghề chạm khắc đá Kính Chủ ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) phát triển rực rỡ vào thời Lê (thế kỷ XIV). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề chạm khắc đá vẫn được
cover(3).jpg

Nghề chạm khắc đá Kính Chủ ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) phát triển rực rỡ vào thời Lê (thế kỷ XIV). Trải qua bao thăng trầm lịch sử, nghề chạm khắc đá vẫn được gìn giữ và phát huy giá trị đến ngày nay.

tit11.png

Làng Kính Chủ xưa nằm dưới chân dãy núi Dương Nham, bên cạnh dòng sông Kinh Thầy thơ mộng và đặc quánh phù sa màu mỡ.

toan-canh-1.jpg
Làng Kính Chủ và dãy núi Dương Nham cùng sông Kinh Thầy

Ngược dòng lịch sử, Kính Chủ thời Lê thuộc tổng Kính Chủ, huyện Giáp Sơn, phủ Kinh Môn, nay là khu dân cư Dương Nham, phường Phạm Thái, thị xã Kinh Môn (Hải Dương). Trong kháng chiến, khu vực Kính Chủ bị tàn phá nặng nề. Bia ký, thần tích, nơi thờ tổ nghề không còn nên không rõ nghề chạm khắc đá nơi đây chính xác có từ bao giờ. Chỉ biết một số sản phẩm điêu khắc đá từ thời Lê đến thời Nguyễn còn ghi rõ thông tin, nhất là trên vách động Kính Chủ có nhiều dấu ấn và phong cách của thợ đá xưa.

chum-bia.jpg
Dấu ấn và phong cách của thợ đá Kính Chủ vẫn còn trên vách động Kính Chủ qua những văn bia

Từ thời Lê, nghề đá ở Kính Chủ đã được chú ý và phát triển liên tục cho đến những năm trước Cách mạng Tháng Tám. Khoảng những năm 1436, nhận thấy đá Dương Nham có vân như mây, tiếng kêu vang, cụ Nguyễn Trãi đã dâng biểu làm khánh đá. Vua đồng ý, sai thợ ở huyện Giáp Sơn lấy đá núi Dương Nham để làm. Cuối thế kỷ XV, Vua Lê Thánh Tông có lần về thăm động Kính Chủ đã cho thợ đá khắc trên đỉnh động bài thơ. Đầu thế kỷ XVI, nhiều tấm bia lớn được thợ đá Kính Chủ chạm khắc công phu trên vách động, chứng tỏ nghệ thuật điêu khắc đá nơi đây đạt đến trình độ cao…

hoa-van2.jpg
bia-5.jpg
Vua Lê Thánh Tông có lần về thăm động Kính Chủ đã cho thợ đá khắc trên đỉnh động bài thơ

Một số người cao tuổi cho biết, nghe cha ông nói lại, làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ đã có từ rất lâu đời. Ngày ấy, hầu hết nam giới ở Kính Chủ đều biết chạm khắc đá. Thợ đá thường sản xuất một số hàng thông dụng bán tại địa phương và cho những người buôn theo đường thủy như cối đá, trục lúa, đá phiến, đá tảng hoặc nhận các công trình xây dựng, chạm khắc đá ở các nơi như lăng, mộ, tháp, cầu, bia ký. Nguyên liệu sẵn có từ núi đá Kính Chủ chất lượng tốt, khai thác thuận tiện tạo cho những người làm nghề đá nơi đây có việc làm quanh năm.

Theo nghề của cha ông đã gần 40 năm, Ông Vũ Văn Mạo ở khu dân cư Dương Nham, phường Phạm Thái cho biết trước đây nghề làm đá rất phát triển, người làm nghề không kịp sản xuất. Sản phẩm phổ biến nhất là tượng chó đá, nghê đá, bia đá, cối đá các loại và trục lúa. Hiện ông Mạo vẫn theo nghề nhưng chỉ làm thủ công những sản phẩm có giá trị nghệ thuật như: tượng người, tượng con vật, khánh đá…

ong-mao1.jpg
Ông Vũ Văn Mạo vẫn theo nghề nhưng chỉ làm thủ công những sản phẩm có giá trị nghệ thuật như tượng người, tượng con vật, khánh đá…

“Bây giờ tôi vẫn theo nghề không phải vì kinh tế mà vì yêu nghề. Ngày nay, người làm nghề đưa máy móc hiện đại vào làm nhưng sản phẩm vẫn không thể đẹp và có hồn bằng làm thủ công. Để tạo được sản phẩm có hồn từ đá không gì có thể thay thế được bàn tay và khối óc của người thợ đá”, ông Mạo nói.

td-ong-mao(1).jpg

Với bàn tay tài hoa và lòng yêu nghề, nghệ nhân làng chạm khắc đá Kính Chủ đã tạo nên nhiều công trình bằng đá tinh xảo, sắc nét, nổi tiếng. Nhiều công trình vẫn trường tồn đến ngày nay không chỉ mang dấu ấn lịch sử mà còn lưu giữ kiến trúc nghệ thuật chạm khắc của thợ đá Kính Chủ xưa. Tiêu biểu như di tích cấp quốc gia cầu đá Hà Tràng ở xã Thăng Long (Kinh Môn) đã tồn tại hơn 100 năm nay. Tại các dầm cầu được chạm khắc hình đầu rồng còn khá sắc nét. Đặc biệt, bia “Côn Sơn tư phúc tự bi” dựng năm 1607 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi về thăm Côn Sơn năm 1965 cũng do thợ đá Kính Chủ xưa chạm khắc lại. Ngôi thành đá đồ sộ Thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản thế giới cũng có dấu ấn của thợ đá Kính Chủ…

bac-ho(2).png
Bia “Côn Sơn tư phúc tự bi” dựng năm 1607 được Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc khi về thăm Côn Sơn năm 1965 và ngôi thành đá đồ sộ Thành nhà Hồ cũng có dấu ấn của thợ đá Kính Chủ

Hành trình lớn nhất của thợ đá Kính Chủ là dấu ấn của những bàn tay tài hoa vẫn còn lưu lại trên hệ thống hơn 40 bia ma nhai ở động Kính Chủ đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Những văn bia với nét chữ thanh thoát, hoa văn tinh xảo, đường chạm sắc cạnh.

cau-da-ht(1).png
Di tích quốc gia cầu đá Hà Tràng, xã Thăng Long (Kinh Môn)

Theo ông Nguyễn Kim Thuận, Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn, phía hai bên cửa động là những văn bia khắc trên vách đá, với sự xuất hiện của các dạng chữ Hán cổ. Văn bia thể hiện mỹ thuật trang trí hoa văn qua các triều đại như Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Nguyễn... có giá trị trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển văn tự, văn phong qua các thời kỳ của đất nước. Các dòng chữ Hán và bản dịch chữ quốc ngữ được khắc rõ ràng, sắc nét, hoa văn, họa tiết tinh xảo. "Hệ thống văn bia như bảo tàng đá độc nhất vô nhị lưu giữ nghệ thuật điêu khắc của thợ đá Kính Chủ suốt 7 thế kỷ qua", ông Thuận nói:

td-ong-thuan(1).jpg
tit2.png

Trải qua bao thăng trầm, những câu chuyện về đá vẫn được người dân nơi đây giữ gìn và phát huy. Đến nay, ngoài những người yêu nghề vẫn làm nhỏ lẻ tại nhà, địa phương còn có từ 5-6 cơ sở sản xuất lớn nhỏ làm nghề với khoảng 30-40 lao động. Không chỉ chế tác, thi công cho các công trình văn hóa, đình chùa, lăng mộ, người làng nghề đá Kính Chủ còn chạm khắc tạo ra các con giống, tượng đá và nhiều loại sản phẩm khác.

a-chum2c.jpg
Địa phương còn có từ 5-6 cơ sở sản xuất lớn nhỏ làm nghề với khoảng 30-40 lao động
a-chum2d.jpg
a-chum2b.jpg
a-chum2.jpg

Với đôi bàn tay khéo léo, sự sáng tạo của người thợ đá, những phiến đá thô sơ, vô tri đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật có hồn. Không chỉ giúp đời sống người dân phát triển, những tác phẩm từ đá còn lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống và tạo nên bản sắc văn hóa làng.

Đã làm nhiều nghề khác nhau nhưng anh Trần Văn Phú (35 tuổi), cơ sở đá mỹ nghệ Vũ Nghĩa ở phường Phạm Thái vẫn trở về quê theo nghề và viết tiếp những câu chuyện về đá của cha ông. Anh Phú cho biết theo nghề vì muốn gìn giữ và nối tiếp nghề truyền thống của ông cha để tiếp tục truyền lại cho thế hệ sau này; đồng thời phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.

chum-tho(1).jpg

Theo thời gian, hành trình của đá Kính Chủ cũng có nhiều đổi thay. Trước khi di tích và cảnh quan của khu vực động Kính Chủ được bảo vệ nghiêm ngặt thì người làm nghề thường lên núi khai thác đá. Hiện nay, người làm nghề đã có nguồn cung cấp đá từ Thanh Hóa, Ninh Bình. Thay đổi rõ nét nhất là người làm nghề đã đưa nhiều máy móc vào thay thế sức người, góp phần nâng cao năng suất lao động.

Không còn thuần túy làm thủ công như xưa, hầu hết các công đoạn chạm khắc đã được cơ giới hóa với nhiều loại máy móc hiện đại, như máy cắt, bổ, xẻ, đục, tỉa, tời; hệ thống phun nước tự động giúp giảm bớt bụi. Tuy nhiên, việc đưa máy móc vào sản xuất chưa tạo ra được những sản phẩm hoàn chỉnh, có hồn. Chỉ khi có đôi bàn tay tài hoa của những người thợ mới có thể chế tác ra những sản phẩm tinh xảo. Ví dụ đôi mắt và xoắn tóc, mao… của con nghê hay con rồng, sau khi dùng máy vẫn phải dùng đục, chạm, chà, nhám thủ công để tạo sự mềm mại, tự nhiên.

tdanh-phu.jpg

Anh Phú cho biết thêm, một số sản phẩm của cơ sở như voi đá, ngựa đá, lăng mộ, rồng đá, cột đình chùa… đã có mặt ở nhiều địa phương trong cả nước. Ngày nay, nhu cầu trùng tu di tích lịch sử, xây dựng nhà thờ họ, trang trí các công trình xây dựng bằng đá ngày càng nhiều. Cơ sở đang bảo đảm việc làm cho 10 lao động với mức thu nhập từ 10-15 triệu/người/tháng. Doanh thu mỗi năm của cơ sở từ 3-5 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 20-30%.

tit3.png

Cùng với di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ hoàn toàn có thể kết nối để phát triển du lịch.

dong-kc2-7f79e27d235204575a9c5e079b6f4e41.jpg
dong-kc1.jpg
Du khách đến thăm quan, chiêm bái động Kính Chủ cũng muốn đến thăm làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ để tận mắt thấy các nghệ nhân nơi đây làm ra sản phẩm điêu khắc đá
img_0078.jpg
Du khách tìm hiểu chi tiết trên bia đá

Thực tế là nhiều du khách khi đến động Kính Chủ, được chiêm ngưỡng và nghe thuyết minh về bảo vật quốc gia hệ thống bia ma nhai thì không khỏi ngạc nhiên, tò mò muốn tìm đến làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ.

Chị Phạm Thị Huệ (Hà Nội) cho biết sau khi tham quan, chiêm bái tại động Kính Chủ cũng muốn đến thăm làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ để tận mắt thấy các nghệ nhân nơi đây làm ra sản phẩm điêu khắc đá. Nếu có sản phẩm lưu niệm từ đá, những du khách như chị có thể mua về làm kỷ niệm.

Mặt khác, việc gìn giữ và phát triển làng nghề còn góp phần giáo dục di sản cho thế hệ sau này. Hiện học sinh đang học theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, trong đó có nội dung giáo dục địa phương. Làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ hoàn toàn có thể là một địa chỉ đỏ để các nhà trường kết nối đưa học sinh đến học tập, giáo dục truyền thống, giá trị văn hóa, di sản tại địa phương.

toan-canh-2.jpg
Làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ là địa chỉ đỏ cho các trường kết nối học sinh đến với nội dung giáo dục địa phương

Để làm được điều này, các cấp, ngành liên quan cần có giải pháp thu hút đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các dịch vụ bổ trợ có thể cấu thành sản phẩm du lịch; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, liên kết, hợp tác với các đơn vị du lịch, lữ hành, trường học...

Ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Phạm Thái cho biết chính quyền địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đá ngày nay phát triển. Tuy nhiên để nghề chạm khắc đá được phát triển hơn nữa rất cần sự quan tâm, định hướng, hỗ trợ của cấp trên để làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ phát triển bền vững, trong đó gắn với khai thác, phát triển du lịch.

td-ong-thang1.jpg

Trước mắt, mỗi người dân làng nghề chạm khắc đá Kính Chủ cần được tuyên truyền, giáo dục về văn hóa du lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo thiện cảm cho du khách ngay từ không gian sản xuất. Làng nghề cần lựa chọn và phục dựng lại những nét văn hóa đặc sắc, tạo sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Du khách có thể trực tiếp trải nghiệm một số công đoạn chạm khắc đá đơn giản do chính thợ đá nơi đây hướng dẫn...

Nội dung: THẾ ANH

Trình bày: TUẤN ANH

Nội dung: THẾ ANH - Trình bày: TUẤN ANH