Việc tự chủ tài chính ở một số cơ sở y tế vẫn vướng
Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính thường xuyên tại các cơ sở y tế công lập tại Hải Dương đã phát huy được những mặt tích cực song cũng bộc lộ nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
Cơ bản bảo đảm cân đối thu – chi
Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cũng như đa số các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính. Trong hai năm 2018 và 2019, nguồn thu của bệnh viện vượt kế hoạch từ 10,4% - 17%. Từ năm 2020 đến hết tháng 9/2023, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số bệnh nhân đến khám và điều trị giảm, nguồn thu của đơn vị giảm theo. Dù vậy, bệnh viện vẫn bảo đảm nguồn lực chi cho các hoạt động thường xuyên. Ngày 26/10 vừa qua, báo cáo tại buổi làm việc với Ban Văn hoá – Xã hội HĐND tỉnh, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Hải Dương thông tin: “Bệnh viện có hơn 1.000 cán bộ, nhân viên. Hằng tháng, ngoài lương và các khoản phụ cấp được trả đủ theo quy định, cán bộ, nhân viên vẫn có thu nhập tăng thêm. Từ nguồn thu có được, bệnh viện đã tự đầu tư hàng chục tỷ đồng mua sắm máy móc, thiết bị y tế, phát triển nhiều kỹ thuật y tế hiện đại. Quỹ tiền lương dự phòng vẫn còn gần 30 tỷ đồng để thực hiện cải cách chế độ tiền lương mới”.
Nguồn thu của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương từ khi thực hiện tự chủ tài chính (năm 2018) đến nay tăng dần. Kết quả thu hằng năm đều đáp ứng theo dự toán và cơ bản bảo đảm chi cho các hoạt động của bệnh viện, không vượt quá số thu. Trong những năm vừa qua, bệnh viện duy trì tốt nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là trong công tác thu dung, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Tìm hiểu tại một số cơ sở y tế cho thấy việc cân đối thu – chi từ thực hiện tự chủ tài chính đến nay cơ bản bảo đảm, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Cơ chế tự chủ tài chính đã tạo động lực cho các cơ sở y tế công lập đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển các kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân, hạn chế chuyển tuyến trên. Tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế có nhiều chuyển biến theo hướng chủ động, sáng tạo, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Các đơn vị chủ động trong việc quản lý, điều hành sử dụng các nguồn tài chính hiệu quả để có thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để mua sắm, sửa chữa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị nhằm phát triển đơn vị và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên…
Quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Tại Hải Dương, trình độ của đội ngũ nhân viên y tế ở các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung tâm Y tế tuyến huyện đã và đang ngày càng nâng lên, làm chủ được nhiều máy móc, kỹ thuật y tế mới. Tuy nhiên, họ lại có quá ít “đất diễn” do nhiều hạng mục cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị y tế của đơn vị vừa thiếu, vừa yếu. Điều này trở thành rào cản trong việc thu hút nhân lực, phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao và tăng nguồn thu.
Nguồn thu tại đa số cơ sở y tế thực hiện tự chủ tài chính hiện cơ bản chi cho con người, chưa đủ để đầu tư cơ sở vật chất, nhất là ở các bệnh viện chuyên khoa. “Nguồn thu của bệnh viện không đủ để đầu tư sửa chữa, mua sắm lớn mà chỉ cơ bản để sửa chữa nhỏ. Chúng tôi cũng không có đủ kinh phí để hỗ trợ nhân viên y tế đi học nâng cao trình độ chuyên môn dẫn tới nhiều khó khăn trong việc giữ chân những bác sĩ giỏi. Lộ trình tăng lương đã có, nhưng tới đây nguồn thu vẫn như hiện nay thì không biết đơn vị sẽ xoay xở thế nào”, một lãnh đạo Bệnh viện Phổi Hải Dương trăn trở.
Để thu hút bệnh nhân, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hải Dương vừa đầu tư mua máy xét nghiệm sinh hóa AU480 trị giá khoảng 2,45 tỷ đồng nhưng mới trả được hơn 700 triệu đồng, còn lại vẫn phải nợ. Nguồn thu của bệnh viện hạn chế khiến việc nợ tiền thuốc, vật tư y tế cũng thường xuyên diễn ra. Chi phí dành cho các hoạt động thường xuyên chiếm phần lớn nguồn thu nên nguồn lực tái đầu tư cơ sở vật chất, thu nhập tăng thêm cho nhân viên rất khiêm tốn.
Lãnh đạo các bệnh viện phản ánh hiện giá dịch vụ y tế mới tính 4 trong 7 yếu tố cấu thành khiến các đơn vị gặp rất nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Từ tháng 7 năm ngoái, mức tiền lương cơ sở đã tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng, trong khi giá dịch vụ khám, chữa bệnh hiện vẫn áp dụng theo mức lương cơ sở 1.490.000 đồng. Điều này khiến nhiều đơn vị lo ngại trong việc cân đối chi trả tiền lương cho cán bộ, nhân viên và thậm chí không dám tuyển thêm người.
Quy trình các bước tổ chức đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư, hoá chất y tế hiện mất quá nhiều thời gian, nảy sinh nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chuyên môn và thực hiện cơ chế tự chủ tài chính ở các cơ sở y tế.
Năm ngoái, máy chụp CT 16 dãy của Bệnh viện Đa khoa Hải Dương bị hỏng 1 bóng đèn nhưng phải ngừng hoạt động tới 7 tháng vì thực hiện quy trình đấu thầu. Bệnh viện không có máy hoạt động, mất gần 8 tỷ nguồn thu trong thời gian này. Trong khi đó, nếu ở bệnh viện tư thì việc thay một bóng đèn này chỉ mất tầm 24-48 giờ. Một số máy móc của bệnh viện này hiện đã hỏng 5-6 tháng nhưng vẫn chưa được sửa chữa vì phải tuân thủ quy trình.
Các cấp, các ngành cần từng bước quan tâm tháo gỡ để việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ sở y tế sẽ diễn ra thuận lợi.