Trường hợp nào công an có quyền kiểm tra điện thoại?
Thực tế, không phải lực lượng công an nào cũng có thẩm quyền kiểm tra điện thoại và khi kiểm tra phải thực hiện đầy đủ các bước theo quy định pháp luật.
Theo quy định của pháp luật, có 2 lực lượng chính thực hiện nhiệm vụ kiểm tra điện thoại, cụ thể:
1. Lực lượng công an điều tra:
Khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành.
Ngoài ra, khi khám xét, điều tra viên được tạm giữ đồ vật là vật chứng và tài liệu có liên quan trực tiếp đến vụ án.
Như vậy, có thể thấy điều tra viên có quyền thu giữ và khám xét điện thoại trong trường hợp điện thoại là vật chứng có liên quan trực tiếp đến vụ án.
2. Lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 thì những người được quy định tại khoản 1 Điều 123 Luật này bao gồm: Trưởng công an phường, Trưởng công an cấp huyện, Trưởng phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng phòng cảnh sát trật tự, Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ,… có quyền khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính.
Trường hợp nào công an có quyền kiểm tra điện thoại?
Do điện thoại lưu trữ thông tin cá nhân nên để đảm bảo quyền bí mật riêng tư của cá nhân, cơ quan có thẩm quyền chỉ được kiểm tra, khám xét điện thoại khi có các căn cứ sau:
Đối với cơ quan điều tra
Trước khi khám xét, cơ quan điều tra sẽ thu giữ phương tiện điện tử, dữ liệu điện tử. Khi thu giữ các phương tiện điện tử có thể thu thiết bị ngoại vi kèm theo và các tài liệu có liên quan.
Theo quy định của pháp luật, phương tiện, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm bị thu giữ, tạm giữ hoặc bị niêm phong phải được bảo quản nguyên vẹn.
Tuy nhiên, căn cứ Điều 192 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc khám xét đồ vật, dữ liệu điện tử chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong thư tín, điện tín, bưu kiện, bưu phẩm, dữ liệu điện tử có công cụ, phương tiện phạm tội, tài liệu, đồ vật, tài sản liên quan đến vụ án.
Lưu ý: Mọi trường hợp khám xét đều được lập thành biên bản theo quy định của pháp luật, giao cho chủ sở hữu đồ vật và đưa vào hồ sơ vụ án.
Đối với lực lượng công an có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Khoản 3 Điều 128 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định trưởng công an phường, trưởng công an cấp huyện được khám đồ vật theo thủ tục hành chính khi có căn cứ để cho rằng nếu không tiến hành khám ngay thì tang vật vi phạm hành chính sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.
Như vậy, công an có quyền kiểm tra điện thoại của cá nhân trong trường hợp có căn cứ cho rằng điện thoại đó có chứa thông tin liên quan đến vụ án hình sự đang được cơ quan công an điều tra hoặc điện thoại đó được dùng để vi phạm hành chính.
Mọi trường hợp bị yêu cầu kiểm tra phải được lập thành văn bản và có yêu cầu của cơ quan cấp trên có thẩm quyền ra quyết định kiểm tra, khám xét.
Quyền của cá nhân đối với các thông tin được lưu trữ trong điện thoại
Điện thoại thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức, do đó cá nhân có quyền sử dụng cũng như định đoạt nó.
Vì điện thoại là nơi lưu trữ thông tin cá nhân, bí mật riêng tư nên theo quy định tại Điều 38 Bộ luật dân sự 2015 thì: “Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Do đó, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý”.
Cạnh đó, pháp luật cũng quy định: “Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định”.