Y tế - Sức khỏe

Chớ cứ ốm mệt là truyền dịch và tiêm

BÌNH MINH 12/11/2023 11:00

Tình trạng người dân tự “chỉ định” truyền dịch và tiêm cho bản thân khi cơ thể ốm mệt mà không được bác sĩ khám và tư vấn sẽ để lại những hậu quả khôn lường.

img_3502.jpg
Người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn trước khi thực hiện tiêm hoặc truyền dịch

Thói quen nguy hiểm

Trung tuần tháng 9 vừa qua, trong lúc đang làm vườn, ông N.V.Th. ở huyện Nam Sách thấy chân tay rệu rã, đầu óc choáng váng. Như một thói quen, ông bảo vợ gọi người đến tiêm. Người tiêm quả quyết ông Th. bị tiền đình. Sau 8 tiếng, cơ thể ông Th. không những không khỏe lên mà một nửa người không thể cử động, nói khó. Gia đình đưa ông sang Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu. Bác sĩ kết luận ông bị đột quỵ. “Ông nhà tôi có thói quen là hễ người mỏi mệt là gọi người đến tiêm. Mọi lần không sao nhưng lần này thì như vậy. Giờ phải ngồi xe lăn, hằng ngày vật lý trị liệu đều đặn mà chưa thấy tiến triển gì. Giờ hối hận đã muộn”, vợ ông Th. thở dài.

Tháng 9 vừa rồi, bà V.T.C. ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) đã trải qua phen thập tử nhất sinh sau khi mời một y tá nghỉ hưu đến tiêm và truyền đạm 3 ngày liên tục. Anh P.V.P. (con bà C) kể: “Từ lâu mẹ tôi đã có thói quen cứ người ốm mệt là gọi người đến truyền dịch và tiêm. Lần này càng truyền càng thấy mệt, đến khi mẹ tôi khó thở, sốt cao bất thường, phản ứng chậm, người lả đi thì gia đình mới tá hỏa đưa đi bệnh viện. Bác sĩ nói mẹ tôi bị sốc phản vệ, viêm phổi, tràn dịch màng phổi nhưng may mà cấp cứu kịp thời”.

Anh T.M.T. ở Gia Lộc không thể nào quên thời khắc nguy hiểm sau khi tự truyền thuốc tại nhà: “Đó là vào cuối năm 2021, tôi bị sốt li bì mấy ngày nhưng không khỏi. Tôi bảo vợ nhờ người đến truyền kháng sinh mà không hỏi bác sĩ. Sau khi truyền được nửa tiếng, tôi bị sốc, khó thở, hai chân không cử động được. Vợ tôi kể khi vào viện cấp cứu, tôi đã rơi vào tình trạng ngừng tuần hoàn tạm thời, các bác sĩ phải sốc tim và điều trị tích cực mới giữ được mạng sống”.

Nhưng không phải ai cũng gặp may sau khi tự ý truyền nước và tiêm khi thấy người ốm mệt. Anh B.V.Đ. ở huyện Thanh Miện đến nay vẫn chưa nguôi ngoai về cái chết tức tưởi bắt nguồn từ sự chủ quan của bố anh cách đây hơn 1 năm. “Nhiều lần về quê thấy ông cứ động ốm là gọi người truyền nước và tiêm nhưng góp ý không nghe. Bao lần trước không sao nhưng lần ấy thì ông bị sốc, tràn dịch phổi, đưa lên viện cấp cứu nhưng không kịp”, anh Đ. chia sẻ.

Không chỉ người cao tuổi mà ngay cả một bộ phận giới trẻ cũng có thói quen không tốt này sau nhiều ngày sử dụng rượu bia, chơi thể thao quá sức, làm việc, học tập, thi cử căng thẳng, mệt mỏi. Đáng trách nữa là một số người được người dân gọi đến nhà tiêm hoặc truyền dịch lại cũng chủ quan, chưa đánh giá kỹ tình trạng sức khoẻ đã vội vàng đáp ứng yêu cầu của bệnh nhân...

Những điểm cần lưu ý

Thực tế cho thấy ốm mệt có thể là khởi nguồn của nhiều chứng bệnh khác nhau. Không phải cứ ốm mệt là tiêm và truyền dịch thì cơ thể sẽ khỏe lên. Do đó, việc người dân tự ý mời nhân viên y tế địa phương có chuyên môn không sâu thực hiện việc này tại nhà sẽ dẫn tới những hệ quả khôn lường đối với sức khỏe, tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cho biết trước khi tiêm và truyền dịch vào cơ thể cho người bệnh, các bác sĩ phải khám xét rất kỹ lưỡng từ huyết áp, tim, phổi, thử phản ứng của thuốc… Nếu thấy việc tiêm và truyền là thực sự cần thiết và phải thực hiện ngay thì mới tiến hành. Việc nhìn bằng mắt thường và nghe người bệnh nói về tình trạng sức khỏe thì chưa thể đủ căn cứ khoa học và chuyên môn để làm việc này. Tiêm và truyền dịch khi chưa xác định nguyên nhân sẽ khiến tình trạng bệnh thêm nặng, có thể dẫn tới sốc phản vệ, tràn dịch, phù não, suy tim, tai biến… và nguy cơ tử vong không hề nhỏ nếu không được cấp cứu kịp thời. Việc truyền dịch vào cơ thể sao cho phù hợp, an toàn với tình trạng sức khoẻ của bệnh nhân cũng là điều rất quan trọng.

Các bác sĩ khuyến cáo các chỉ số trong cơ thể như muối, đường, chất điện giải… đều có một mức giá trị nhất định. Khi những giá trị này suy giảm thì nhất thiết phải được bù đắp để lấy lại sự cân bằng nhưng phải được bác sĩ khám, chỉ định chủng loại, liều lượng để tránh xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Ở một số trường hợp, ngay cả khi người bệnh bị mất nước thì việc bổ sung nhiều các loại nước vẫn tốt hơn là truyền dịch. Một chai muối 9% truyền vào cơ thể chỉ tương đương với việc ăn trực tiếp một bát canh, truyền glucose 5% chỉ như uống một muỗng cà phê đường…

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần dừng ngay thói quen tiêm và truyền nước tại nhà. Việc không đủ các phương tiện xét nghiệm, cấp cứu tại chỗ khi cơ thể không may xảy ra biến chứng là điều vô cùng nguy hiểm.

BÌNH MINH