Thông cáo báo chí số 13, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV
Thứ tư, ngày 8/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Buổi sáng, từ 8 giờ đến 9 giờ 30, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn đối với các lĩnh vực: khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tham gia trả lời chất vấn.
Tại phiên chất vấn, đã có 7 đại biểu chất vấn và 9 đại biểu tranh luận (tổng hợp cả 2 phiên chất vấn buổi chiều ngày 7/11 và buổi sáng ngày 8/11 đã có 35 đại biểu chất vấn và tranh luận), tập trung vào các nội dung sau:
Về lĩnh vực khoa học và công nghệ: việc cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến thanh quyết toán các nhiệm vụ khoa học công nghệ; đề nghị tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Thông tư số 03/2023/TT-BTC ngày 10/1/2023 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.
Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo: giải pháp phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.
Về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch: quy trình thẩm định, phân loại phim.
Về lĩnh vực y tế: vấn đề thanh toán cho người bệnh phải mua thuốc ở ngoài khi cơ sở y tế không đủ thuốc cung ứng; giải pháp giảm bớt tỷ lệ sử dụng tiền của bệnh nhân tự trả khi thực hiện dịch vụ y tế.
Về lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: giải pháp sử dụng hiệu quả lao động ở nước ngoài về nước và vấn đề bảo đảm cân đối lực lượng lao động trong nước.
Về lĩnh vực thông tin và truyền thông: chính sách đột phá để vừa làm tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách vừa đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao; việc xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, thay đổi cơ cấu nguồn thu của các cơ quan báo chí.
Từ 9 giờ 50 đến 11 giờ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo giải trình, làm rõ các vấn đề liên quan, cập nhật tình hình kinh tế - xã hội tháng 10/2023 và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại phiên chất vấn đã có 9 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 1 đại biểu tranh luận, tập trung vào các nội dung sau: định hướng, giải pháp phát triển du lịch bền vững; giải pháp thực hiện thành công việc phân cấp, phân quyền; định hướng công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong thời gian tới; giải pháp cải cách chính sách tiền lương; phát triển kinh tế số; việc thực hiện Nghị quyết về cơ chế đặc thù ở các địa phương; nhiệm vụ, giải pháp chấn chỉnh tình trạng cháy nổ; vấn đề xây dựng đội ngũ trí thức; vấn đề cải cách thể chế.
Từ 11 giờ đến 11 giờ 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, trong đó nhấn mạnh, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, tập trung, sôi nổi, với tinh thần xây dựng, tâm huyết và trách nhiệm cao, đã có 457 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn; 152 lượt đại biểu Quốc hội thực hiện quyền chất vấn, trong đó có 39 lượt đại biểu tranh luận.
Đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Với phạm vi rất rộng, liên quan đến 21 lĩnh vực khác nhau, 10 nghị quyết của Quốc hội, trên cơ sở sắp xếp thành 4 nhóm lĩnh vực theo sáng kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản đã trả lời thẳng thắn, giải trình nghiêm túc, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để khắc phục, trong đó có các giải pháp kèm lộ trình cụ thể.
Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Qua báo cáo của các cơ quan và diễn biến phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm với nhiều giải pháp đồng bộ, đã tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, nhờ đó góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hằng năm theo nghị quyết của Quốc hội; đồng thời chỉ rõ việc triển khai một số nghị quyết, nhiệm vụ còn chậm, một số nội dung, chỉ tiêu trong các nghị quyết chưa hoàn thành, chưa đạt yêu cầu, chậm chuyển biến, chưa được giải quyết dứt điểm hoặc còn khó khăn, vướng mắc, cần phải được khắc phục, tháo gỡ, giải quyết dứt điểm trong thời gian tới.
Trên cơ sở kết quả của phiên chất vấn, Quốc hội sẽ xem xét ban hành nghị quyết về chất vấn vào cuối kỳ họp. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát và chất vấn, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Sáng thứ năm, ngày 9/11, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Buổi chiều, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).