Tài chính - Ngân hàng

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hải Dương ứng phó trước biến động tỷ giá ngoại tệ

HÀ KIÊN 10/11/2023 11:00

Mỗi đồng tăng từ biến động tỷ giá ngoại tệ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp xuất nhập khẩu Hải Dương, buộc doanh nghiệp phải tìm giải pháp ứng biến lâu dài.

z4857106744763_fe8bb400da466bcd6100597417d4916b(1).jpg
Tỷ giá ngoại tệ biến động theo chiều hướng tăng đã làm tăng áp lực cân đối tài chính lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Áp lực cân dòng tài chính

Theo dõi sát tỷ giá đồng USD mỗi ngày đã trở thành thói quen của ông Trần Văn Quang, Kế toán trưởng Công ty CP May II Hải Dương (TP Hải Dương). Là một doanh nghiệp có cả hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu nên mỗi đồng biến động tỷ giá sẽ tác động không nhỏ đến kế hoạch phát triển của doanh nghiệp, nhất là trong việc cân đối thu chi.

Doanh nghiệp này hiện có khoản vay 2,5 triệu USD tại một số ngân hàng trong tỉnh. Khi tỷ giá ở mức 24.000 đồng/USD, mỗi tháng doanh nghiệp này phải trả lãi ngân hàng hơn 300 triệu đồng. Biến động tăng, tỷ giá ở mức 24.500 đồng/USD, tiền lãi phải trả sẽ tăng lên hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

“Chúng tôi có hoạt động xuất khẩu nên sẽ thu về dòng ngoại tệ, do vậy về dài hạn, tỷ giá tăng cơ bản không quá ảnh hưởng đến việc thanh toán. Tuy nhiên, áp lực ở chỗ chúng tôi phải cân đối, thậm chí phải có quỹ dự phòng để bảo đảm thanh toán tiền trả ngân hàng khi dòng ngoại tệ thu về không khớp với lịch trả nợ”, ông Quang cho biết.

Công ty TNHH Thép Daeho Việt Nam (ở khu công nghiệp Đại An) chuyên sản xuất thép cán nguội cung cấp cho đối tác dùng để dập nguội bu-lông, ốc vít cấu thành các linh kiện xe máy, ô tô, thiết bị điện tử, văn phòng. Nguyên vật liệu đầu vào là thép cán nóng chất lượng cao, nhập chủ yếu từ các đối tác lớn như Posco (Hàn Quốc), CSC (Đài Loan), một số thương hiệu khác từ Đức… Tỷ lệ nhập khẩu lên đến gần 80% tổng lượng nguyên liệu đầu vào, vì thế lượng USD phải thanh toán cho đối tác tương đối lớn. Trong khi đó, 80% tổng sản lượng tiêu thụ của doanh nghiệp này lại là thị trường nội địa. “Giá bán cho đối tác trong nước là tiền Việt Nam nên luôn cố định. Ngược lại, biến động tăng dù chỉ một đồng tỷ giá cũng khiến chi phí phải thanh toán cho đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào tăng rất cao. Do vậy, tỷ giá biến động càng nhiều, phần hao hụt doanh thu của chúng tôi càng lớn”, bà Phùng Thị Thúy, Trưởng Phòng Xuất nhập khẩu công ty này chia sẻ.

Tính giải pháp lâu dài

Theo bà Thúy, để giảm tối đa ảnh hưởng từ biến động tỷ giá ngoại tệ, các doanh nghiệp nhập khẩu cần tìm cách tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu đầu vào. “Sản phẩm đầu ra nếu dùng nguyên liệu trong nước sẽ chỉ phục vụ cho một số ngành hàng nhất định, khó bảo đảm nhu cầu đối tác. Ngoài Indonesia, Malaysia, chúng tôi đang tích cực đẩy nhanh quá trình được cấp giấy chứng nhận BIS để cung cấp sản phẩm cho thị trường Ấn Độ. Mở rộng thị trường xuất khẩu về lâu dài sẽ là giải pháp giảm tác động từ tỷ giá”, bà Thúy nói thêm.

Đồng quan điểm, ông Lương Cao Bảng, Kế toán trưởng Công ty TNHH Sumidenso Việt Nam (khu công nghiệp Đại An) cho rằng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần hướng đến việc cân bằng thu chi của từng loại tiền. 50% lượng vật tư của doanh nghiệp này được nhập khẩu từ Nhật Bản và một số quốc gia thuộc khối ASEAN khác, giao dịch chủ yếu là đồng USD. 50% lượng vật tư còn lại được nhập từ hơn 350 doanh nghiệp cung cấp trong nước. Tuy nhiên có tới 150 doanh nghiệp trong nước cũng yêu cầu thanh toán bằng USD. Tính riêng số tiền thanh toán cho nhóm 150 nhà cung cấp nội địa này cũng lên đến gần 22 triệu USD mỗi tháng. “Chúng tôi xuất khẩu đến hơn 95% tổng sản lượng, do vậy nguồn ngoại tệ thu về cơ bản bảo đảm cho mục đích chi trả. Tuy nhiên, một số thời điểm chúng tôi vẫn phải mua USD để trả đối tác trước khi thu về ngoại tệ. Do đó biến động tỷ giá đương nhiên sẽ có ảnh hưởng nhất định nếu các doanh nghiệp nói chung không có quỹ dự phòng rủi ro”, ông Bảng nói.

z4857106702933_15e89b118ce96b30c2c471be96289d7e.jpg
Trao đổi với ngân hàng cung cấp dịch vụ để tìm giải pháp từ những công cụ tài chính phái sinh là một trong những giải pháp giúp doanh nghiệp giảm áp lực biến động tỷ giá (ảnh minh họa)

Xây dựng quỹ dự phòng rủi ro về tỷ giá, cân đối, cân bằng thu chi của từng loại tiền, trong đó có ngoại tệ ở từng khoản thanh toán, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu như vừa nêu là những cách được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp tìm đến nhà cung cấp thứ 3 chuyên nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài với số lượng lớn để tận dụng lợi thế về giá. Tuy nhiên đây đều là chuyện không thể trong một sớm một chiều mà cần xây dựng kế hoạch trong dài hạn.

Một giải pháp được nhận định sẽ mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp khi ứng phó với biến động tỷ giá là tận dụng các sản phẩm phái sinh về tài chính từ ngân hàng. Theo ông Phạm Văn Thái, Trưởng Phòng Khách hàng FDI của BIDV Hải Dương, hợp đồng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn sẽ giúp doanh nghiệp xác định được chi phí quy đổi từ ngoại tệ sang đồng Việt Nam. “Cơ bản có thể hiểu rằng khi doanh nghiệp ký hợp đồng mua bán ngoại tệ có kỳ hạn với ngân hàng, tỷ giá của ngoại tệ phải thanh toán trong tương lai sẽ được xác định tại thời điểm ký kết. Như vậy doanh nghiệp có thể quản trị chi phí ngoại tệ hiệu quả hơn”, ông Thái cho biết.

Về vĩ mô, việc tỷ giá VNĐ/USD biến động mạnh thời gian gần đây không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bên cạnh nỗ lực điều hành tỷ giá từ Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp thực tế, trong đó trao đổi với ngân hàng cung cấp dịch vụ sẽ là cách tham khảo hiệu quả.

HÀ KIÊN