Liên hợp quốc yêu cầu sơ tán khẩn cấp trên 700.000 người do lũ lụt ở Somalia
Ngày 6/11, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) kêu gọi nhanh chóng kích hoạt các kế hoạch sơ tán trong bối cảnh nguy cơ cao xảy ra lũ lụt.
OCHA ước tính hơn 706.100 người bị ảnh hưởng tạm thời, trong đó hơn 113.690 người phải rời bỏ nhà cửa khi mực nước ở các con sông dâng cao do mưa lớn tiếp tục tàn phá một số vùng của Somalia.
Trong cập nhật về tình hình lũ lụt tại Somalia, cơ quan nhân đạo của LHQ cho biết có tới 400 hộ gia đình với khoảng 2.400 người được cho là bị mắc kẹt do lũ ở thành phố Luuq thuộc tỉnh Gedo, phía Tây Nam Somalia. Nhà chức trách Somalia và các đối tác nhân đạo đang nỗ lực tiến hành sơ tán khẩn cấp số người này. Trong khi đó, lũ lụt dữ dội cũng đã khiến 14 người ở nước này thiệt mạng.
Dự kiến lũ lụt sẽ xảy ra trên khắp Somalia, có thể ảnh hưởng đến 1,2 triệu người sống ở các khu vực ven sông. Theo các cơ quan viện trợ, điều này làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Somalia. Hiện Somalia có hơn 3,7 triệu người đang sống trong tình cảnh nạn đói cùng cực. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,3 triệu người vào tháng 12/2023, một phần do ảnh hưởng của lũ lụt do mưa lớn đang diễn ra.
Theo Cơ quan quản lý thiên tai Somalia (SoDMA), ngày 5/11, quốc gia vùng Sừng châu Phi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại các khu vực bị lũ lụt do lượng mưa lớn trong mùa mưa (từ tháng 10 - 12 hằng năm). Lũ lụt xảy ra ở Somalia sau đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 40 năm qua do khô hạn vì thiếu mưa. Những diễn biến thời tiết này đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành chăn nuôi và trồng trọt, đồng thời đẩy đất nước này đến bờ vực nạn đói.
Cùng ngày 6/11, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) của LHQ nhận định hơn 1,6 triệu trẻ em dưới 5 tuổi ở Nam Sudan sẽ nguy cơ bị suy dinh dưỡng vào năm 2024. Tình trạng này có thể xảy ra do người dân Nam Sudan vừa hứng chịu một đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm do nguồn nước bị ô nhiễm trong và sau lũ lụt.
Người đứng đầu WFP tại thủ đô Juba, bà Mary-Ellen McGroarty khẳng định tình cảnh ở Nam Sudan phản ánh thực trạng cuộc sống của người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng khí hậu. Bà Mary-Ellen McGroarty lưu ý điều kiện sống quá đông đúc và tình trạng ngập úng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, nhất là ở trẻ em, đang gia tăng một cách hết sức lo ngại.
Cũng như các khu vực khác trên thế giới cũng hứng chịu lũ lụt, người dân Nam Sudan, trong đó có trẻ em, không chỉ vật lộn với sự lây lan của dịch bệnh mà còn gặp khó khăn trong tiếp cận thực phẩm.
Tại thị trấn Rubkona ở miền Bắc của Nam Sudan, nước lũ đã nhấn chìm nhiều vùng đất rộng lớn khiến toàn bộ cộng đồng dân cư phải sống trên các hòn đảo nhỏ kể từ năm 2021. Trong khi đó, giá lương thực thực phẩm tại đây đã tăng hơn 120% kể từ tháng 4/2023.
Dự báo, đến tháng 4/2024, khu vực phía Bắc của Nam Sudan sẽ đối mặt với nạn đói nghiêm trọng.