Kết bạn với người lạ trên Facebook, người phụ nữ bị lừa 870 triệu đồng
Sau khi kết bạn qua Facebook, đối tượng rủ rê chị T. lập tài khoản tại trang web lạ để đầu tư. Chị T. làm theo cho tới khi nạp tổng cộng 870 triệu đồng vào tài khoản trên trang web của một số đối tượng nhưng không rút ra được.
Ngày 6/11, Công an tỉnh Bắc Kạn vừa tiếp nhận trình báo của chị Nông T.T. (30 tuổi, ở huyện Ngân Sơn) về việc bị lừa đảo với số tiền 870 triệu đồng.
Theo đó, vào khoảng cuối tháng 9/2023, chị T. nhận được lời mời kết bạn trên mạng xã hội Facebook của một tài khoản tên “Vũ Trung Quyền”, đối tượng tự giới thiệu đang làm việc cho một công ty kinh doanh cờ bạc tại Singapore.
Qua tin nhắn, đối tượng rủ rê chị T. lập tài khoản tại trang web có tên miền advancegame.cfd để đầu tư. Khi tài khoản được xác lập, chị T. truy cập vào trang web thì thấy có nội dung đánh bạc (cá cược trực tuyến).
Ngày 15/10, chị đã nạp vào tài khoản bằng cách chuyển vào tài khoản của các đối tượng số tiền 82 triệu đồng, đến rạng sáng 16/10, tài khoản ngân hàng của chị được cộng 105 triệu đồng.
Do tin tưởng, từ ngày 16 -26/10, chị T. tiếp tục nạp vào tài khoản trên trang web của một số đối tượng tự nhận là người chăm sóc khách hàng với tổng số tiền 870 triệu đồng, nhưng sau đó không rút ra được. Nghi ngờ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên, chị T. đã trình báo cơ quan công an.
Một lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã xảy ra hơn 10 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, khiến nhiều nạn nhân bị mất số tiền lớn. Mặc dù đã được cảnh báo nhiều, thế nhưng vẫn tiếp tục có những nạn nhân mới của các chiêu trò lừa đảo này.
Các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn như giả danh cơ quan pháp luật, giả danh nhân viên ngân hàng gửi tin nhắn kích hoạt dịch vụ, mạo danh công ty tài chính, tuyển cộng tác viên bán hàng trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, sàn chứng khoán, lập sàn giao dịch ảo, đầu tư sinh lời…
Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, công tác chuyển đổi số rầm rộ đưa nhiều hoạt động thường nhật lên môi trường mạng, mua sắm trực tuyến bùng nổ, cùng với sự phổ biến của thanh toán không dùng tiền mặt, đã đem lại nhiều tiện ích cho người dân.
Tuy nhiên, ý thức và kiến thức bảo mật của phần lớn người dùng còn hạn chế là nguyên nhân khiến tội phạm lừa đảo liên tục nhắm đến người dùng. Các mối đe dọa đối với an toàn thông tin và an ninh mạng vẫn tồn tại, đòi hỏi các doanh nghiệp cũng như người dùng cá nhân phải thường xuyên cảnh giác.
Có những trường hợp khách hàng vô tình cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, số thẻ, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet, mua hàng qua mạng cho kẻ gian.
Thủ đoạn của các đối tượng vẫn là đánh vào tâm lý nhẹ dạ, thiếu cảnh giác và lòng tham của nhiều người dân khi tương tác, trao đổi và mua bán trên mạng xã hội.
Trên mạng xã hội, nơi mà những thông tin không được kiểm chứng, nhiều người chỉ vì sự chủ quan, thiếu hiểu biết, đã để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện các hành vi phạm tội.
Cùng với các giải pháp của lực lượng công an thì chính mỗi người sử dụng mạng xã hội cần tạo sức “đề kháng” như: Không truy cập đường link lạ, không tự ý cài đặt phần mềm, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng.
Mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác với loại tội phạm này, không để trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, mất tiền, tài sản.