Tăng trưởng kinh tế là mấu chốt
Duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ nhanh chóng mở rộng quy mô nền kinh tế, đem đến nhiều lợi thế cho Hải Dương, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hải Dương không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đề ra từ đầu năm là trên 9% mặc dù con số này đang đầy thách thức do nhiều yếu tố không thuận từ bên trong cũng như bên ngoài. Đây là khẳng định của đồng chí Trần Đức Thắng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, cũng là quyết tâm trong chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.
Không điều chỉnh chỉ tiêu để phấn đấu đạt được mức cao nhất có thể. Đây là chỉ đạo mang tinh thần quyết tâm rất cao bởi vì qua 3 quý tăng trưởng kinh tế của Hải Dương dù cao hơn bình quân cả nước rất nhiều nhưng chỉ đạt hơn 7%. Nếu muốn đạt trên 9% cả năm thì quý IV phải tăng trưởng trên 14%. Đây là một thách thức khó vượt qua.
Tại sao nói tăng trưởng kinh tế là mấu chốt bởi vì có tăng trưởng mới mở rộng được quy mô nền kinh tế. Quy mô nền kinh tế mở rộng sẽ làm tăng thêm thu nhập và việc làm của người dân, tăng thu ngân sách nhà nước, tăng vốn cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội…
Hiện nay, Hải Dương có dân số hơn 2,1 triệu người, chiếm khoảng 2% dân số cả nước, nhưng diện tích chỉ chiếm gần 0,5%. Tài nguyên thiên nhiên không phong phú, một số loại khoáng sản đã khai thác cạn kiệt. Thế nhưng tỉnh lại có nhiều lợi thế khác so với nhiều địa phương lân cận. Đó là vốn văn hoá, con người. Đó là tiềm năng quỹ đất cho phát triển công nghiệp. Đó là dư địa cải thiện thủ tục hành chính. Hải Dương cũng ít phải chịu các tác động từ mặt trái của phát triển như vấn đề di dân, mật độ dân cư hay môi trường.
Những điểm cộng nêu trên do tỉnh đã sớm hình thành chiến lược phát triển hài hoà mà rõ nét nhất là định hướng phát triển “tăng trưởng xanh, chuyển đổi số” của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Bởi vậy dù coi tăng trưởng kinh tế là mấu chốt thì vấn đề giữ đất nông nghiệp cũng không được xem nhẹ. Nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn sẽ củng cố môi trường sinh thái. Nông nghiệp đặc sản sẽ đem lại giá trị kinh tế cao, thu nhập cao cho người dân. Phát triển hài hoà công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ sẽ đem đến sự cân bằng và tạo ra những tiềm năng mới để cải thiện đời sống người dân, xây dựng một Hải Dương đáng sống.
Trong các trụ cột tăng trưởng cần chú ý phát triển dịch vụ. Đây là lĩnh vực Hải Dương có dư địa lớn chưa được khai thác tốt và có thể củng cố sự phát triển bền vững lâu dài.
Vấn đề nữa phải quan tâm để phát triển hài hoà là nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. Để tiết kiệm quỹ đất, hạn chế những bất cập của di dân, bảo vệ môi trường thì bây giờ không thể thu hút những dự án tốn lao động, tốn đất. Nhà xưởng trong các khu công nghiệp cũng cần được thiết kế nhiều tầng, tránh lãng phí.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên các trụ cột nêu trên cần tiến hành những việc làm cụ thể, có kết quả cụ thể, tránh tình trạng né tránh, đùn đẩy, không dám chịu trách nhiệm. Nếu các cấp, các ngành cùng vào cuộc hành động để đạt được cao nhất các chỉ tiêu thì chúng ta sẽ hoàn thành nhiều trong số 19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2023 và chỉ tiêu mấu chốt tăng trưởng kinh tế cũng sẽ đạt ở mức cao nhất.
Vấn đề mấu chốt và cuối cùng vẫn là cán bộ. Thời gian qua, việc giải phóng mặt bằng các dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã thể hiện rất rõ vai trò của người đứng đầu. Tức là nơi nào thủ trưởng có quyết tâm cao, có phương pháp làm việc hiệu quả thì công việc có chuyển biến cụ thể, xử lý được các tồn đọng, đưa dự án vào hoạt động nhanh, thúc đẩy được tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhiều lần nhấn mạnh đòi hỏi ở người cán bộ phải có “6 dám”, gồm dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Ở Hải Dương trong giai đoạn nước rút thực hiện kế hoạch năm 2023 và những năm tiếp theo rất cần những cán bộ lãnh đạo mang tinh thần này và được sử dụng ở những vị trí then chốt.