Còn ý kiến khác nhau về hỗ trợ xây dựng 22 phòng học của 5 trường
Qua khảo sát, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị chưa hỗ trợ 5 trường với 22 phòng học trong đề xuất của UBND tỉnh do chưa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ, yêu cầu về đầu tư xây dựng.
Sáng 6/11, tại Kỳ họp thứ 18, các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương đã thảo luận về số phòng học được hỗ trợ sau khi nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về hỗ trợ kinh phí xây dựng phòng học thiếu tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Theo tờ trình được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt trình bày tại kỳ họp, UBND tỉnh Hải Dương đề nghị HĐND tỉnh chấp thuận đầu tư hơn 320 tỷ đồng xây dựng 383 phòng học.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Hường cho biết qua khảo sát của Thường trực HĐND tỉnh tại một số cơ sở giáo dục, có 5 trường với 22 phòng học chưa bảo đảm mục tiêu hỗ trợ, yêu cầu về đầu tư xây dựng.
Cụ thể, Trường Mầm non Kẻ Sặt (Bình Giang) đã có chủ trương di chuyển ra vị trí mới, đề xuất 5 phòng. Trường Tiểu học Cổ Bì (cùng huyện Bình Giang) đã xây dựng, đề xuất 4 phòng. Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương) đã đạt chuẩn mức độ 2, đề xuất 3 phòng. Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) đã đạt chuẩn mức độ 2, đề xuất 6 phòng. Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn) đã đạt chuẩn mức độ 2, không còn quỹ đất để xây dựng, đề xuất 4 phòng. Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh đề nghị kỳ họp thảo luận, xem xét, quyết định chưa hỗ trợ với 5 trường này.
Điều hành thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích đề nghị rà soát lại để giai đoạn 1 ưu tiên hỗ trợ các phòng học xuống cấp nghiêm trọng, còn thiếu, tạm thời chưa hỗ trợ các trường đạt chuẩn mức độ 2.
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt cho biết nhu cầu phòng học trên địa bàn tỉnh hiện rất lớn nhưng con số đề xuất chưa đáp ứng được hết. Các địa phương khi đề nghị hỗ trợ đã có cam kết bảo đảm điều kiện đầu tư. Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương) đã đạt chuẩn mức độ 2 từ năm 2019 song vẫn thiếu phòng học do học sinh tăng mạnh. Trường Mầm non Kẻ Sặt (Bình Giang) hiện thiếu 5 phòng, ngân sách huyện khó khăn và nhu cầu cấp bách nên đề nghị hỗ trợ từ ngân sách tỉnh là phù hợp. Trường Tiểu học Cổ Bì (cùng huyện Bình Giang) hiện thiếu 6 phòng, đề nghị tỉnh đầu tư 4 phòng, ngân sách huyện hỗ trợ 2 phòng còn lại. Trường THCS Lạc Long (thị xã Kinh Môn) mới mở rộng quỹ đất rộng nhưng thiếu phòng học, đề nghị xây bổ sung. Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) có số học sinh tăng mạnh do tăng dân số cơ học, ở khu vực phát triển nhiều doanh nghiệp của TP Hải Dương. Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương đề nghị HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ.
Bảo vệ quan điểm chưa hỗ trợ 22 phòng học của 5 trường, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Nguyễn Thị Hường cho biết Thường trực HĐND tỉnh đã khảo sát trực tiếp và chỉ ra 5 trường hợp nêu trên. Hiện nhu cầu xây dựng phòng học rất nhiều, song tờ trình của UBND tỉnh chưa nêu rõ tính cấp thiết. Khi rà soát cụ thể ở một số trường cho thấy chưa bảo đảm điều kiện đầu tư, chưa cấp bách nhất, xuống cấp trầm trọng nhất. Trong khi đó, giai đoạn này phải hỗ trợ trường hợp cấp bách nhất, có sự ưu tiên khi nhu cầu trên địa bàn tỉnh còn nhiều.
Trực tiếp khảo sát tại 2/5 trường được Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Hải Dương đề nghị không hỗ trợ, đồng chí Trịnh Thúy Nga, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho biết Trường Mầm non thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) chật chội, nếu được đầu tư 5 phòng học thì không đủ điều kiện trong khi trường dự kiến di chuyển ra chỗ mới. Đề án của tỉnh chỉ hỗ trợ phòng học tại chỗ, các trường có dự kiến di dời thì rất nhiều. Trường Tiểu học Cổ Bì đang xây dựng 8 phòng đã có nguồn đầu tư nhưng muốn được hỗ trợ để chi trả những phòng đã xây.
Tham gia thảo luận, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bùi Học Anh nêu ý kiến về 3 trường trong đề xuất của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh. Trường Mầm non Liên Hồng (TP Hải Dương) đã đạt chuẩn mức độ 2, đề xuất xây dựng 3 phòng nhưng trên thực tế không còn quỹ đất xây dựng. Nếu xây dựng phải phá đi khu khác để xây chồng lên. Trường THCS Lạc Long (Kinh Môn) cũng đã đạt mức độ 2 và không còn quỹ đất xây dựng, nợ xây dựng cơ bản của xã Lạc Long tương đối lớn nên đề xuất không thực hiện hỗ trợ. Trường THCS Tứ Minh (TP Hải Dương) đề xuất xây mới 6 phòng, không nằm trong nguyên tắc thực hiện trong đề án nên đồng chí Bùi Học Anh đồng ý với kiến nghị của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh.
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết Thường trực HĐND tỉnh nhất trí trình HĐND tỉnh xem xét phương án hỗ trợ 361 phòng học. Với 5 trường còn nhiều băn khoăn, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tiếp tục xem xét và đề nghị UBND tỉnh giao Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, nếu đủ điều kiện thì trong 10 ngày, chủ tọa ký ban hành nghị quyết hoặc trình HĐND tỉnh xem xét ở các kỳ họp tiếp theo.
Các đại biểu HĐND tỉnh Hải Dương cũng nhất trí với phương án trên.