Chất vấn tại Quốc hội: Mong "tư lệnh ngành" không né tránh vấn đề
Phiên chất vấn giữa nhiệm kỳ được xem là cơ hội để các trưởng ngành nhìn lại những gì đã làm được và chưa làm được, cùng tìm các biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề.
Trong mỗi kỳ họp Quốc hội, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động sôi nổi, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu và cử tri.
Qua đây, đại biểu Quốc hội thể hiện vai trò giám sát và truyền đạt những tâm tư, thắc mắc của cử tri tới các vị “tư lệnh” ngành. Đây cũng được xem là “kỳ sát hạch” với các trưởng ngành về những gì đã làm được và chưa làm được trong nhiệm kỳ của mình.
Bên lề Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một số đại biểu Quốc hội đã trao đổi với phóng viên về những trăn trở, kỳ vọng của mình về phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Phiên chất vấn có nhiều điểm mới
Đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên), Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng chất vấn là một trong những hoạt động giám sát thường xuyên, hữu hiệu của Quốc hội để xem xét, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của cá nhân người được chất vấn và cơ quan, tổ chức có liên quan, từ đó có những biện pháp hữu hiệu để giải quyết. Do đó, hoạt động này luôn nhận được sự quan tâm rất lớn.
Khác với các kỳ họp khác của Quốc hội khi chỉ có tối đa 4 lĩnh vực được lựa chọn để chất vấn, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 6 - kỳ họp giữa nhiệm kỳ sẽ chất vấn chung về việc thực hiện các cam kết của các Bộ trưởng, trưởng ngành, cũng như việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, bao quát nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội.
Đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng đây thực sự là “cuộc sát hạch” quan trọng giữa nhiệm kỳ, là hình thức “tái giám sát” hay “giám sát sau giám sát” để có thể nhìn nhận kết quả công việc của các trưởng ngành.
Đại biểu bày tỏ kỳ vọng vào việc đổi mới cách thức tiến hành và nội dung sâu, rộng của phiên chất vấn sẽ giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề mà cử tri, đồng bào cả nước quan tâm; xác định rõ năng lực, trách nhiệm các “tư lệnh ngành” từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và nâng cao đời sống của người dân.
Bà cũng mong các thành viên Chính phủ sẽ giải đáp hết các băn khoăn của đại biểu, không né tránh vấn đề.
Đại biểu Hoàng Anh Công (tỉnh Thái Nguyên), Phó Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng bày tỏ nhiều kỳ vọng vào kết quả của phiên chất vấn kỳ này.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên Quốc hội đưa ra thảo luận báo cáo giám sát kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.
"Báo cáo này trước đây thường được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, nhưng đây là lần đầu tiên được đưa ra Quốc hội thảo luận. Đây là báo cáo quan trọng giúp hoạt động chất vấn sâu hơn, đi sát thực chất hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan giải quyết khiếu nại, tố cáo," ông Hoàng Anh Công cho hay.
Chất vấn cho ‘đúng tầm’
Về nội dung chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho biết sẽ đặt vấn đề liên quan đến thị trường xăng dầu, đặc biệt là về quỹ bình ổn giá xăng dầu được giao cho doanh nghiệp quản lý. Bên cạnh đó, ông Hòa muốn chất vấn về tình hình phát triển năng lượng sạch, tình trạng thiếu hụt điện ở miền Bắc trong khi điện gió và điện Mặt Trời ở miền Nam chưa thể tích hợp vào lưới điện quốc gia.
“Nhìn chung, hình thức chất vấn năm nay có nhiều điểm mới, nếu được thực hiện tốt, sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tôi hy vọng rằng các thành viên Chính phủ sẽ có sự tập trung, hiểu rõ vấn đề trong ngành của mình, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm và liên quan đến cuộc sống của người dân,” Đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Chia sẻ quan điểm, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết thay vì chỉ tập trung vào 4 Bộ trưởng, trưởng ngành cùng Thủ tướng/Phó Thủ tướng như các kỳ trước, trong kỳ chất vấn này, các đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất kỳ Bộ trưởng nào. Điều này đòi hỏi các thành viên Chính phủ phải bản lĩnh và có sự am hiểu toàn diện về chuyên môn lĩnh vực được giao.
Theo đại biểu, các trưởng ngành sẽ phải chịu áp lực lớn vì họ không biết trước được nội dung cụ thể mà đại biểu sẽ chất vấn. Vì không có chủ đề cố định như trước đây, các câu hỏi có thể vượt ra ngoài những vấn đề mà Bộ trưởng chưa từng nghĩ tới hoặc không đoán trước được.
Với tính chất quan trọng của phiên chất vấn, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng các thành viên Chính phủ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin về các vấn đề và chính sách trong lĩnh vực của mình, hiểu rõ về các thành tựu và thách thức đang đối mặt.
Chia sẻ với phóng viên, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết ông quan tâm tới việc chấp hành kỷ cương pháp luật và việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người đứng đầu các cơ quan, bộ, ngành Trung ương.
Ông Vân cho rằng người đứng đầu bộ ngành trước tiên phải hiểu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, nếu ngành của mình xảy ra sự cố thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm thế nào.
Góp ý về cách đặt câu hỏi, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đại biểu Quốc hội không nên hỏi những vấn đề vụn vặt, nhất là những vụ việc cụ thể bởi nghị trường là nơi bàn bạc, giải quyết những vấn đề liên quan tới lợi ích chung của đất nước, quốc gia, dân tộc. Có chăng, chỉ nên lấy ra những vụ việc cụ thể để minh họa.
“Ví dụ, để chất vấn về tình trạng dạy và học thêm, đại biểu có thể nêu ra một địa phương để minh họa, chứ tuyệt đối không nên lấy một vụ việc cụ thể ra để chất vấn. Lý do là người đứng đầu ngành có thể không nắm được cụ thể mà đây là thẩm quyền của cán bộ cấp dưới. Thêm nữa, nghị trường là nơi đặt ra các vấn đề bao quát, không nên mất thời gian vào một địa bàn cụ thể, phải chất vấn cho đúng tầm đại biểu Quốc hội,” ông Lê Thanh Vân nêu quan điểm.