Kết thúc hoạt động tìm kiếm, tập trung cứu trợ người sống sót vụ động đất tại Nepal
Sau 36 tiếng kể từ khi xảy ra trận động đất độ lớn 5,6 ở vùng núi phía Tây Nepal khiến ít nhất 157 người thiệt mạng, hoạt động tìm kiếm, cứu hộ các nạn nhân đã kết thúc ngày 5/11.
Hiện công tác cứu trợ tập trung vào việc cung cấp thực phẩm và nơi lánh nạn cho những người sống sót.
Huyện Jajarkot của tỉnh Karnali là một trong những khu vực chịu thiệt hại nặng nề nhất với 105 người thiệt mạng. Nhiều người dân ở đây đã phải ở ngoài trời suốt cả đêm do nhà cửa của họ đã bị sập trong trận động đất. Họ cho biết đang rất cần thực phẩm và lều trại.
Trong khi đó, lực lượng cứu hộ đã làm việc suốt đêm và đang cố gắng đưa hàng cứu trợ đến tay người dân vùng thảm họa. Công tác cứu hộ cứu nạn gặp nhiều khó khăn do có nhiều tuyến đường dẫn tới khu vực bị nạn đã bị phá hủy trong trận động đất. Đại diện cảnh sát địa phương cho biết hiện đã liên lạc được với các cộng đồng bị thảm họa, tuy nhiên vẫn đề phòng trường hợp còn những cộng đồng bị cô lập, không trao đổi được thông tin với bên ngoài do vùng thảm họa tương đối hẻo lánh.
Trận động đất xảy ra tối 3/11, với rung chấn có thể cảm nhận được ở thủ đô New Delhi, nơi cách tâm chấn gần 500km. Ngoài các nạn nhân thiệt mạng, có khoảng 100 người bị thương trong thảm họa này.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USSG), các trận động đất tại Nepal tương đối nông, có xu hướng gây ra nhiều thiệt hại và dư chấn hơn so với động đất xảy ra sâu dưới bề mặt Trái Đất. Nepal nằm ở một khu vực nơi khối lục địa Ấn Độ và lục địa Á - Âu va chạm với nhau. Khi khối lục địa Ấn Độ chậm chạp tiến về khối phục địa Á - Âu, nó tạo ra hiện tượng mà các nhà địa chất gọi là đứt gãy nghịch (thrust fault). Trong đứt gãy nghịch, một mảng lục địa sẽ bị dồn lên trên mảng kia. Thông qua tiến trình này mà dãy Himalaya hùng vĩ đã hình thành. Tuy nhiên hiện tượng đứt gãy nghịch cũng tạo nên nguy cơ xảy ra các trận động đất rất lớn.