Ngăn ngừa vi phạm mới
Những năm gần đây, các cơ quan, đơn vị và địa phương ở Hải Dương đã tăng cường quản lý và xử lý vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, số lượng các vụ vi phạm còn tồn tại vẫn ở mức cao và chưa ngăn ngừa được vi phạm mới.
Kể từ khi Luật Thủy lợi có hiệu lực ngày 1/7/2018 đến ngày 30/7/2023, toàn tỉnh đã phát hiện 2.024 vụ vi phạm, xử lý 718 vụ, đạt tỷ lệ 35,47%, còn tồn tại 1.306 vụ. Đáng chú ý những vi phạm phát sinh từ năm 2020 đến nay đã giảm dần nhưng vẫn khá nhiều, mỗi năm có hơn 200 vụ vi phạm. Các huyện Ninh Giang, Bình Giang, Tứ Kỳ vi phạm nhiều nhất trên hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Các huyện Thanh Hà, Kim Thành, Ninh Giang vi phạm nhiều nhất trên hệ thống thủy lợi nội đồng do Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Hải Dương quản lý. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, nhà tạm, làm chuồng trại chăn nuôi, tường bao, cầu dân sinh, tập kết vật liệu, đổ đất, cát san lấp làm mặt bằng, xả nước thải.
Để xảy ra thực trạng này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là do hệ thống công trình thủy lợi có số lượng lớn, dàn trải trên diện rộng, đan xen với các làng, khu dân cư, nền kinh tế đang chuyển dịch mạnh mẽ sang công nghiệp, dịch vụ nên dễ phát sinh vi phạm với nhiều hình thức khác nhau. Việc giải quyết các vi phạm, nhất là vi phạm xây dựng trên đất có "sổ đỏ" hoặc có trích lục bản đồ gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp sau khi lập biên bản vẫn tiếp tục xây dựng.
Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi có trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các vi phạm nhưng việc xử lý, giải tỏa thuộc thẩm quyền của chính quyền các địa phương. Do đó khi chính quyền một số nơi chưa sâu sát, quyết liệt, để vi phạm tồn tại trong thời gian dài hoặc mức xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe dẫn đến "nhờn luật". Người dân một số nơi có tình trạng nghe ngóng lẫn nhau, so bì, thấy người khác vi phạm không bị xử lý cũng vi phạm.
Ngày 18/7/2023, báo Hải Dương đăng bài "Ngang nhiên xâm phạm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải" phản ánh tình trạng lấn chiếm hành lang bờ kênh, lòng kênh diễn biến phức tạp. Sau khi nắm thông tin, ngày 19/7, Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đã giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, Ban Thường vụ các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy chỉ đạo các cơ quan có liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý, đồng thời gắn trách nhiệm với người đứng đầu các cấp, ngành; báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện trong tháng 9/2023.
Ngay sau chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, các địa phương đã vào cuộc kiểm tra, rà soát và rốt ráo xử lý các vi phạm. Tiêu biểu là các huyện Cẩm Giàng và Gia Lộc đã xử lý ngay các vụ vi phạm, trong đó có các vụ vi phạm mà bài báo trên nêu đích danh. Riêng trên hệ thống Bắc Hưng Hải, tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10 vừa qua phát sinh 77 vi phạm mới, giảm 48% so với cùng kỳ năm ngoái; đã xử lý, giải tỏa được 57 vụ vi phạm, trong đó Cẩm Giàng giải tỏa 37 vụ, Gia Lộc giải tỏa 19 vụ, Tứ Kỳ giải tỏa 1 vụ, gồm cả các vụ tồn tại từ những năm trước.
Đây rõ ràng là một tín hiệu tích cực, thể hiện sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành, địa phương trong việc phát hiện, xử lý các vi phạm công trình thủy lợi.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để các vi phạm đã tồn tại kéo dài, nhất là những vi phạm trước ngày 1/7/2018 là rất khó khăn. Đối với các vi phạm mới phát sinh trong những năm gần đây phải kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và kiểm điểm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương để xảy ra nhiều vi phạm tồn tại kéo dài, phát sinh nhiều vi phạm phạm mới. Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi, các địa phương cần tích cực tuyên truyền, ngăn ngừa không để phát sinh những vi phạm mới.