Hoạt động mua bán-sáp nhập bất động sản ngày càng sôi động
Nhiều nhà đầu tư ngoại bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần, một số ít doanh nghiệp Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh cũng gia nhập cuộc chơi.
Các chuyên gia nhận định, mặc dù suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng hiệu suất của Việt Nam vẫn duy trì ổn định, tạo sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư sản xuất nước ngoài.
Tính đến cuối tháng 10/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt hơn 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản vẫn trụ hạng ở vị trí thứ 2 với tổng vốn đầu tư gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc điều hành Savills Việt Nam nhận xét, các lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong khi hoạt động mua bán-sáp nhập (M&A) bất động sản ngày càng sôi động.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo đuổi việc giảm lãi suất xuống mức của năm 2020 cũng là tín hiệu tốt cho bất động sản nhà ở.
Nhiều nhà đầu tư ngoại đã bắt đầu chuyển vốn vào các dự án bất động sản tại Việt Nam theo hình thức mua lại cổ phần. Một số ít doanh nghiệp Việt Nam với tiềm lực tài chính mạnh cũng gia nhập cuộc chơi nhưng quy mô của các thương vụ chỉ ở mức nhỏ và vừa.
Trong quý 3 năm 2023, thị trường bất động sản ghi nhận một số giao dịch M&A nổi bật.
Đáng chú ý là sự kiện SkyWorld Development Berhad (Malaysia) đã mua 2.060m2 đất tại quận 8, TP Hồ Chí Minh từ Công ty CP Thuận Thành với giá 14,3 triệu USD để phát triển dự án bất động sản nhà ở.
Tại TP Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp khác cũng của Malaysia là Gamuda Berhad đã mua 3,68ha đất tại TP Thủ Đức từ Công ty CP Bất động sản Tâm Lực với số tiền xấp xỉ 315,8 triệu USD để phát triển dự án đa dụng.
Tập đoàn Saigonres (Việt Nam) đã thực hiện các thủ tục M&A để mua 90% cổ phần của Công ty CP Đức Nhi và trở thành chủ sở hữu của một lô đất diện tích 7.700m2 tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh.
Tại thị trường Hà Nội có thương vụ Tập đoàn Keppel (Singapore) đã mua 65% cổ phần trong một công ty nắm giữ tài sản bất động sản thương mại với tổng giá trị 50,4 triệu USD.
Thị trường miền Trung ghi nhận thương vụ Công ty CP Địa ốc First Real Land (Việt Nam) đã mua 22% cổ phần vốn điều lệ của Công ty CP Thương mại-dịch vụ Bạch Đằng, chủ sở hữu một lô đất diện tích 6.879m2 tại Đà Nẵng với giá 8,2 triệu USD.
Trong khi đó, Tập đoàn F.I.T (Việt Nam) cũng chính thức thoái vốn khỏi dự án khu resort biển Cap Padaran Mũi Dinh có diện tích 800 ha tại tỉnh Ninh Thuận.
Hoạt động M&A của quý 3 năm 2023 được các chuyên gia đánh giá là khá sôi động với sự tham gia của cả các nhà đầu tư ngoại và nội.
Đánh giá riêng về triển vọng của phân khúc nhà ở, ông Neil MacGregor, Giám đốc quản lý của Savills Việt Nam cho rằng với sự thiếu hụt nguồn cung căn hộ, các nhà đầu tư có khả năng phát triển thành công dự án mới cho thị trường sẽ tận dụng được sức cầu mạnh mẽ lúc này, đặc biệt là nếu họ nhắm đến nhóm người mua để ở thuộc tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng.
Các chuyên gia của Savills tại Việt Nam nhận xét, hiện những chủ đầu tư bất động sản nhà ở nổi bật như Vingroup, Masterise Homes và Ecopark đã ra mắt nhiều sản phẩm mới vào giai đoạn cuối năm.
Cùng đó, Luật Nhà ở sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua trong Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV cũng loại bỏ quy định yêu cầu dự án nhà ở thương mại phải dành 20% diện tích đất cho nhà ở xã hội.
Sự thay đổi này linh hoạt và phù hợp với thực tiễn thị trường và nhu cầu của từng địa phương; đồng thời sẽ giúp tăng tốc tiến độ cho các nhà phát triển dự án nhà ở thương mại.
Tương tự, với phân khúc văn phòng, chuyên gia dẫn chứng, tại TP Hồ Chí Minh, hiệu suất hoạt động của phân khúc văn phòng vẫn mạnh mẽ. Mặc dù nguồn cung hạng A mới khá dồi dào song vẫn còn cơ hội cho các nhà đầu tư và nhà phát triển về lĩnh vực này.
Những nhà đầu có thể phát triển hoặc nâng cấp tòa nhà văn phòng với tiêu chuẩn xanh có thể thu hút giá thuê cao hơn, ông Neil MacGregor phân tích.
Bất động sản công nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thúc đẩy và thu hút hấp dẫn trong hoạt động đầu tư bất động sản.
Từ tháng 7, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã ký Biên bản ghi nhớ với tỉnh Thanh Hóa để phát triển một khu công nghiệp có diện tích 650ha với vốn đầu tư 400 triệu USD; đồng thời, xem xét việc phát triển một khu công nghiệp có diện tích 300ha tại Nam Định.
Vào cuối tháng 8 vừa qua cũng có 3 dự án mới của Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP) đã bắt đầu triển khai; 2 dự án đã nhận được sự chấp thuận đầu tư và có 12 thỏa thuận hợp tác phát triển được ký kết.
Đáng chú ý, một liên doanh giữa Lineage Logistics và SK Logistics đã được công bố để cải thiện và mở rộng hệ thống kho lạnh của Việt Nam.
Cùng đó, Suntory Pepsico đã nhận được sự chấp thuận để xây dựng một nhà máy mới tại Long An với tổng vốn đầu tư 185 triệu USD, trong khi Tập đoàn Hyosung có kế hoạch đầu tư gần 1 tỷ USD vào một nhà máy sản xuất sợi carbon tại Vũng Tàu…
Những dấu hiệu tích cực về thu hút FDI và M&A cho thấy các nhà đầu tư đang khôi phục niềm tin vào thị trường bất động sản khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng, được hỗ trợ bởi triển vọng về lãi suất cùng một số giao dịch lớn đang trong giai đoạn kiểm toán kỹ lưỡng.