Chính phủ chính thức trình 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần
Với phương án 1, người lao động sau 12 tháng nghỉ việc, nếu có nhu cầu được rút BHXH một lần. Còn phương án 2, người lao động chỉ được rút BHXH không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Chiều 2/11, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi ở hội trường. Dự thảo luật có 10 chương với 136 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định liên quan đến rút BHXH một lần.
2 phương án rút BHXH
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án rút BHXH một lần.
Phương án 1 quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm người lao động khác nhau.
Cụ thể, nhóm 1 là người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.
Nếu người lao động lựa chọn bảo lưu, không nhận BHXH một lần thì sẽ được hưởng các quyền lợi bổ sung như chỉ cần đóng BHXH đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng lương hưu.
Nhóm 2, với người lao động bắt đầu tham gia vào BHXH từ khi Luật BHXH sửa đổi có hiệu lực, không được nhận BHXH một lần. Chỉ giải quyết hưởng BHXH một lần trong các trường hợp: đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như quy định hiện hành.
Phương án 2, theo ông Dung, là chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất.
Nhiều loại ý kiến khác nhau
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vấn đề này còn nhiều loại ý kiến khác nhau.
Một loại ý kiến cho rằng nên lựa chọn theo phương án 1 vì phương án này có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động khi bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Phương án 1 cũng không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới những người có thời gian bắt đầu tham gia BHXH trước khi luật này có hiệu lực thi hành…
Loại ý kiến khác lại ủng hộ phương án 2 vì cho rằng, phương án này giúp người lao động có thêm chi phí để giải quyết những khó khăn trước mắt, đồng thời cũng vẫn còn những yếu tố động lực để giữ người lao động ở lại hệ thống lâu hơn, tăng thêm khả năng được thụ hưởng các quyền lợi của BHXH.
Phương án này cũng đảm bảo Quỹ BHXH luôn được duy trì ở trạng thái an toàn cao hơn so với phương án 1 trong các trường hợp người tham gia BHXH bắt buộc đồng loạt rút BHXH một lần, như tình trạng đã từng xảy ra trong đại dịch Covid-19.
Loại ý kiến thứ 3, theo bà Thúy Anh, chưa đồng ý với cả 2 phương án Chính phủ trình. Theo đó, phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng giữa những người tham gia trước và sau khi luật có hiệu lực, tiềm ẩn gây mất ổn định xã hội, tạo làn sóng ồ ạt rút BHXH một lần.
Trong khi, phương án 2 cho rút 50% là không hợp lý vì số tiền người sử dụng lao động đóng BHXH cho người lao động là tiền của người lao động và chưa lý giải về tỷ lệ 50%.
Do đó, đề nghị không nên thiết kế thành hai phương án để lựa chọn một phương án mà chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau để người lao động lựa chọn.
Nêu quan điểm của cơ quan thẩm tra, bà Thúy Anh cho hay, mỗi phương án Chính phủ đưa ra đều có ưu, nhược điểm nhất định.
“Tuy nhiên, Chính phủ chưa thể hiện rõ về quan điểm về phương án lựa chọn. Hơn nữa, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu mà lấy BHXH một lần, tức là đang trẻ, còn sức khỏe làm việc, tạo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình mà lại lấy của tuổi già để chi tiêu, dù với lý do gì, đều trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí”, theo báo cáo thẩm tra.
Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần thông tin tuyên truyền, giải thích đầy đủ, nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp, tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già trong bối cảnh Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh.