Khó khăn trong thu thuế thương mại điện tử
Tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở Hải Dương rất nhanh và sôi động với mức tăng trưởng hai con số. Tuy nhiên, việc thu thuế ở lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn, bất cập.
Thu thuế... "đuổi"
Bà Nguyễn Thị Thoa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ quà tặng Thành Đông ở số nhà 212 Chương Dương, phường Trần Phú (TP Hải Dương) chia sẻ: "Đăng ký thuế, kê khai và nộp thuế đúng quy định không chỉ bảo đảm quyền lợi cho cả bên mua và bán hàng mà còn góp phần nâng cao uy tín, trách nhiệm của doanh nghiệp. Người mua hàng được tham gia chương trình hóa đơn may mắn của ngành thuế...".
Còn bà Trần Thị Bích Hạnh, chủ cửa hàng Đậu Xoài ở phố Vũ Hựu, phường Thanh Bình (TP Hải Dương) chuyên bán đồ ăn dặm trẻ sơ sinh nói: "Từ năm 2021, chúng tôi đã thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế".
Trên thực tế, số doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh qua sàn thương mại điện tử hoặc bán hàng qua mạng được quản lý và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế như những trường hợp trên còn rất ít.
Theo Cục Thuế tỉnh, năm 2022, Hải Dương truy thu được 5,848 tỷ đồng thuế của 144 cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, trong đó có 14 cá nhân kinh doanh dịch vụ, sản phẩm số và 130 cá nhân bán hàng qua các sàn thương mại điện tử. Nhưng từ đầu năm 2023 đến tháng 10, toàn tỉnh chỉ truy thu thêm được 42 cá nhân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử với trên 1,9 tỷ đồng tiền thuế, phạt nộp chậm 1,04 tỷ đồng.
Số trường hợp và số tiền thuế thu được ở các chi cục đều giảm sâu so với năm 2022. Như Chi cục Thuế TP Chí Linh thu thêm 13 cá nhân với trên 154,5 triệu đồng (năm 2022 thu 27 cá nhân với trên 438 triệu đồng thuế); Chi cục Thuế khu vực Nam Thanh chỉ phát sinh 1 cá nhân với trên 67,5 triệu đồng thuế (năm 2022 có 23 cá nhân với trên 3,271 tỷ đồng tiền thuế)...
Kết quả trên đều phát sinh qua quá trình kiểm tra, rà soát, tổng hợp các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử của ngành thuế được liên thông trong cả nước. Các kết xuất này của Tổng cục Thuế được chuyển về Cục Thuế tỉnh và tiếp đó chuyển về các chi cục trực thuộc để thực hiện quy trình truy thu thuế nên thường chậm 6 tháng đến 1 năm, thậm chí lâu hơn so với thời điểm hoạt động thương mại điện tử có phát sinh thuế.
Hiện nay Chi cục Thuế TP Hải Dương là đơn vị đi đầu trong quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử nhưng vẫn rất khó khăn. Năm 2022, đơn vị quản lý 34 hộ kinh doanh thương mại điện tử, doanh thu phát sinh trên 45,5 tỷ đồng và truy thu thuế phát sinh trong 5 năm từ 2018-2022 là trên 713 triệu đồng. Từ đầu năm đến ngày 1/11, Chi cục Thuế TP Hải Dương đã quản lý, thu thuế thêm 20 hộ kinh doanh thương mại điện tử, truy thu trên 1,5 tỷ đồng tiền thuế phát sinh. "Không ít cá nhân trong danh sách nêu trên được cơ quan thuế mời làm việc, nhưng đều năm lần, bảy lượt thoái thác và nói đã bỏ kinh doanh online từ lâu", bà Vũ Thị Thu Hà, Đội trưởng Đội Kê khai-Kế toán thuế-Tin học-Nghiệp vụ-Dự toán-Pháp chế (Chi cục Thuế TP Hải Dương) cho biết.
Sau khi có kết xuất từ cấp trên, Chi cục Thuế TP Hải Dương đã hình thành nhóm chuyên trách gồm 1 chi cục phó, 2 đội trưởng đội kê khai và đội thuế liên xã phường tham gia. Quy trình truy thu và quản lý thuế được thiết lập chặt chẽ, từ mời cá nhân bán hàng đến làm việc trực tiếp tại cơ quan thuế, đến tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký, kê khai và nộp thuế. "Không ít trường hợp cán bộ thuế vừa tuyên truyền, vận động, vừa phải đấu tranh để có thể truy thu được tiền thuế", ông Vũ Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP Hải Dương chia sẻ.
Cần tăng cường phối hợp quản lý
Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 83.000 tổ chức, cá nhân thường xuyên có hoạt động trên 260 sàn thương mại điện tử. Tại Hải Dương, theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, từ cuối tháng 10/2021 đến nay, tỉnh có hơn 128.000 hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, xếp hạng 19 toàn quốc. Trong đó có hơn 1.000 sản phẩm được bày bán trên các sàn thương mại điện tử với hơn 35.000 lượt giao dịch, xếp thứ 7 cả nước. Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ động phối hợp hỗ trợ hơn 162.000 hộ tạo tài khoản, gian hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, việc phát triển kinh doanh qua sàn thương mại điện tử, bán hàng online không tỷ lệ thuận với việc quản lý và số thu thuế. Việc thu thuế thương mại điện tử còn nhiều khó khăn vì một số cá nhân, tổ chức kinh doanh chưa có địa chỉ kinh doanh cố định. Người kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử chưa tự giác đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế. Việc quản lý doanh thu cũng gặp trở ngại khi người mua không yêu cầu cung cấp hóa đơn. Chưa kể các chiêu trò hủy đơn hàng để chuyển sang giao dịch trực tiếp, tạo đơn hàng ảo để thu hút người mua, ủy quyền bán hàng cho người vận chuyển, shipper...
Để tăng cường quản lý thuế thương mại điện tử, theo ông Bùi Đức Thanh, Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Hải Dương cần tăng cường phối hợp giữa các ngành công thương, thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước và ngành thuế. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tới người bán hàng, cung cấp dịch vụ online.