Khôi phục, phát triển nghệ thuật hát xẩm
Với mong muốn đa dạng hóa các loại hình văn hóa nghệ thuật, làm phong phú hơn nữa đời sống tinh thần, nhiều người yêu thích ca hát trong tỉnh Hải Dương đã cùng nhau khôi phục và phát triển nghệ thuật hát xẩm.
Lặn lội vì đam mê
Sáng một ngày đầu tháng 11, như đã hẹn, các thành viên trong Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông lại gặp nhau tại trụ sở Hội Người mù tỉnh để luyện tập chuẩn bị cho Liên hoan hát xẩm - Ninh Bình năm 2023. Dù đường xa, đi lại khó khăn nhưng ai cũng vui vẻ và đến đúng giờ để buổi luyện tập đạt kết quả cao nhất.
Anh Nguyễn Văn Liên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông chia sẻ, Hải Dương không phải là nôi sản sinh ra nghệ thuật hát xẩm. Tuy nhiên, cách đây khoảng 700 năm, ở đây cũng có một số chiếu xẩm. Đây là loại hình nghệ thuật bình dân, dành cho những người nghèo khó, khuyết tật, khiếm thị... kiếm sống. Vì thế, so với những loại hình nghệ thuật khác, hát xẩm mang những đặc trưng riêng. Để tiếng hát được hay, người hát bắt buộc phải biết chơi một loại nhạc cụ nào đó. Lời hát thể hiện đậm chất dân gian, mộc mạc, chất phác của người nông dân, đề cập đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống như tình cảm vợ chồng, cha mẹ với con cái, ca ngợi quê hương đất nước, phê phán thói hư tật xấu... nên rất gần gũi.
Tuy nhiên, cách đây khoảng 60-70 năm... cùng với cả nước, các chiếu xẩm ở Hải Dương không còn, cũng không còn ai biết về nghệ thuật này.
Để khôi phục, giữ gìn và phát triển nghệ thuật hát xẩm, tháng 12/2022, Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông được thành lập gồm 12 thành viên. Đây đều là các thành viên đã sinh hoạt tại Trung tâm Hướng nghiệp và tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Hội Người mù tỉnh). Anh Vũ Hải Đăng ở huyện Bình Giang, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ cho biết, đến với hát xẩm, anh thấy khó bởi trước đó ít nghe về loại hình này. Để học được lời, cách hát, trình bày, ngoài sự trao đổi giữa các thành viên trong câu lạc bộ, anh còn phải tham khảo trên các mạng xã hội. Đặc điểm của hát xẩm mang chất tự sự cao nên khi hát phải thể hiện được "chất đời" trong từng câu hát.
Cũng giống như nhiều môn nghệ thuật khác, hát xẩm cũng có những làn điệu cơ bản, song tùy thuộc vào người hát, hoàn cảnh, địa điểm mà phát triển thành nhiều nhánh khác nhau như thập ân, huê tình, chênh bong, điêm huê, tàu điện... Hát xẩm cũng mang những đặc trưng vùng miền riêng biệt và người hát.
So với trước đây, nghệ thuật hát xẩm ngày nay cũng có nhiều thay đổi. Người hát xẩm không còn là những người nghèo khó mà là những người đam mê muốn khôi phục, đưa hát xẩm trở thành một môn nghệ thuật nên một chiếu xẩm sẽ có nhiều người hơn trước. Nhạc cụ phục vụ cho việc hát đa đạng, phong phú hơn, trang phục biểu diễn cũng đẹp mắt và phù hợp hơn...
Còn nhiều khó khăn
Hiện nay, hoạt động của Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông gặp nhiều khó khăn. Các thành viên của câu lạc bộ đều là những người khiếm thị và ở nhiều nơi trong tỉnh nên mỗi khi luyện tập, các thành viên phải đi lên Hội Người mù tỉnh. Mỗi lần đi lại như vậy, các thành viên đều phải có người thân trong gia đình giúp đỡ. Cũng vì đi lại khó khăn nên từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ mới sinh hoạt được 4-5 lần. Do không có nghệ nhân hoặc người am hiểu thật sâu về môn nghệ thuật này nên câu lạc bộ không có ai hướng dẫn, đều phải tự học hỏi trên mạng internet, sau đó dạy cho nhau. Số lượng làn điệu còn ít, chưa tìm được ra nét đặc trưng, khác biệt của hát xẩm Hải Dương so với các tỉnh, thành phố lân cận.
Kinh phí hoạt động của câu lạc bộ cũng không có nên khó khăn trong việc mua sắm dụng cụ, trang phục biểu diễn. Mỗi khi luyện tập, các thành viên lại phải đi mượn hoặc thuê.
Mong muốn của những người tham gia Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông hiện nay là nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp chính quyền để hoạt động câu lạc bộ chuyên nghiệp hơn. Các thành viên hy vọng có thể được kết nối gặp một số người hiểu về nghệ thuật hát xẩm và được truyền dạy một số làn điệu cơ bản. Hỗ trợ kinh phí mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn, đi lại... Khi đó, họ có thể tự tin biểu diễn trên các sân khấu lớn cũng thu hút thêm những người đam mê nghệ thuật hát này.
Các thành viên trong Câu lạc bộ Hát xẩm xứ Đông luyện tập