Chính trị

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nói gì về kết quả kinh tế - xã hội năm 2023?

PHONG TUYẾT 02/11/2023 14:39

Trong 2 ngày Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp.

021120230844-z4840485256734_2b62a911a651073f64475b4fc3fc689b.jpg
Phiên thảo luận ở hội trường Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sáng 2/11. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 2/11, Quốc hội hoàn thành 2 ngày thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và một số nội dung khác.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã thảo luận tại hội trường và đóng góp nhiều đánh giá, đề xuất đáng chú ý.

Giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng

nson.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Hải Dương) cho biết giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 9 đạt 51,38%, có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu tại hội trường chiều 31/10, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá vượt qua nhiều thách thức, kinh tế - xã hội năm 2023 tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đồng tình với đánh giá của Ủy ban Kinh tế về việc nhiều động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế suy giảm.

Về trụ cột đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công đến tháng 9 đạt 51,38%, có cải thiện nhưng chưa đạt kỳ vọng. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng trong bối cảnh đầu tư công chưa có nhiều đột phá và đầu tư trực tiếp nước ngoài có dấu hiệu suy giảm, đầu tư tư nhân trở thành động lực nội sinh vô cùng quan trọng, thúc đẩy phục hồi tổng cầu, tăng trưởng trong ngắn hạn cũng như thiết lập nền tảng tăng trưởng dài hạn và bền vững cho nền kinh tế. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân 9 tháng tăng 2,3% chỉ bằng 1/6 mức trước dịch Covid-19 (năm 2019 tăng 13,7%).

Về trụ cột tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết tiêu dùng trong nước phục hồi nhưng chưa vững chắc và có xu hướng chậm lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý sau tăng thấp hơn quý trước (quý I tăng 13,9% nhưng quý III mức tăng chỉ còn 7,3%).

Về trụ cột xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 497,66 tỷ USD, giảm 8,2% so với cùng kỳ, dự báo cả năm xuất khẩu tăng trưởng âm. Theo đại biểu, đây là năm ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ năm 2009.

"Đánh giá báo cáo của Chính phủ đã đưa ra 12 nhóm giải pháp chủ yếu năm 2024 và trong thời gian tới nhưng cần có giải pháp và lộ trình cụ thể hơn trên cơ sở phân tích, đánh giá rõ nguyên nhân dẫn đến các khó khăn nêu trên, trong đó cần thực hiện đầy đủ các yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo kết luận số 2888 ngày 18/10/2023 và các kiến nghị của Ủy ban Kinh tế trong báo cáo thẩm tra", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.

Trăn trở 5 chỉ tiêu “xương sống’’

vnga.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương trăn trở vì 5/15 chỉ số không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu tại hội trường và bày tỏ còn một số điều trăn trở trước kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 5/15 chỉ số không đạt chỉ tiêu kế hoạch, chiếm đến 1/3 số các chỉ tiêu.

“Dù có nhìn vào điểm sáng là 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch thì 5 chỉ tiêu chưa đạt này vẫn là điểm trừ trong mọi nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng qua và cả năm 2023. Đáng nói hơn, đây đều là những chỉ tiêu xương sống của nền kinh tế như GDP, GDP đầu người, tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo hay năng suất lao động xã hội”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.

Theo đại biểu, bên cạnh sự tác động bởi những yếu tố khách quan thì những chỉ số không đạt đó còn thể hiện việc xây dựng kịch bản không sát thực tế. Điều này thể hiện năng lực dự báo còn hạn chế. Trong báo cáo của Chính phủ cũng đã chỉ ra “công tác dự báo có lúc còn kém”. Điều đáng nói, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng công tác dự báo còn kém không chỉ thể hiện ở việc xây dựng các chỉ tiêu chưa sát thực mà còn tương đối phổ biến trong việc xây dựng các chương trình, dự án khác.

Tăng cường quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật

mthoa.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa (Hải Dương) cho rằng hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Phát biểu tại hội trường chiều 31/10 về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao kết quả rà soát hệ thống pháp luật.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, hoạt động rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên theo đúng quy định để lấy dữ liệu đầu vào cho công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đồng thời tiếp tục củng cố lực lượng pháp chế để thực hiện công tác xây dựng pháp luật nói chung và công tác rà soát thường xuyên. Trong đó, cần điều chỉnh về số lượng biên chế, tiêu chuẩn tuyển chọn, áp dụng chính sách thu hút nhân tài như sinh viên giỏi, thủ khoa về lĩnh vực này và đãi ngộ xứng đáng hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa đề nghị cần tăng cường thực hiện quy trình rút gọn trong xây dựng pháp luật hoặc xây dựng quy trình đặc biệt để nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát hiện sau rà soát văn bản và có sự thống nhất của các cơ quan liên quan. Đối với những nội dung phát hiện qua rà soát là có vướng mắc, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp thì cần xác định là trường hợp cấp bách và áp dụng thủ tục rút gọn hoặc thủ tục đặc biệt khi sửa đổi, bổ sung.

PHONG TUYẾT