Góc nhìn

Báo cáo của Liên hợp quốc chưa phản ánh đúng tình hình nhân quyền ở Việt Nam

THÁI BÌNH 02/11/2023 15:00

Tôi cho rằng không vì những vụ việc đơn lẻ mà chụp mũ, phủ nhận và dẫn tới đánh giá một cách thiếu công bằng, đi ngược lại những nỗ lực, thành quả nhân quyền Việt Nam đã đạt được.

anh-trao-nha-lac-long-kinh-mon.jpg
Hội viên nông dân nghèo ở thị xã Kinh Môn (Hải Dương) nhận tiền hỗ trợ xây nhà "mái ấm nông dân". Ảnh: Bùi Hải Hưng

Ngày 19/9, Liên hợp quốc đưa ra bản báo cáo UN Secretary-General's 2023 report on reprisals (Báo cáo về sự trả đũa năm 2023 do Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố), có đoạn: …“Không gian hoạt động cho các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã bị thu hẹp, dưới sự kiểm soát ngày càng mạnh tay từ chính phủ”. Nhiều trang mạng xã hội đã đăng tải nội dung báo cáo trên. Báo cáo này được Liên hợp quốc thực hiện từ ngày 1/5/2022 - 30/4/2023, bao gồm từ các nước Afghanistan, Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Maldives, Myanmar, Pakistan, Philippines và Việt Nam.

Thế giới đang ngày càng phát triển và vấn đề quyền con người đang thu hút sự quan tâm của tất cả các bên, từ mỗi cá nhân cho tới tổ chức rộng lớn nhất đó là Liên hợp quốc, trong đó có các tổ chức xã hội dân sự. Việc mở rộng không gian xã hội dân sự nhằm thực hiện nghĩa vụ quốc tế về quyền con người đã trở thành một xu thế chung trên toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài tiến trình đó. Tôi hoan nghênh Liên hợp quốc đã quan tâm tới việc bảo đảm quyền con người và thúc đẩy nó ngày một tốt hơn. Nhưng với báo cáo này của Liên hợp quốc, tôi chưa đồng tình vì chưa phản ánh đúng tình hình tại Việt Nam bằng việc nhấn mạnh cụm từ …“sự kiểm soát ngày càng mạnh tay từ chính phủ”.

Lý do là đánh giá trên hơi thiên kiến, đi ngược lại nỗ lực của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã, đang và sẽ nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ của một quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và khẳng định trở thành thành viên tích cực của Liên hợp quốc, trong đó có việc thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các công ước quốc tế về quyền con người. Nỗ lực ấy đã được nhiều tổ chức, trong đó có Liên hợp quốc từng ghi nhận, đặc biệt là các mục tiêu thiên niên kỷ mà Việt Nam đã cam kết và thực hiện tốt.

Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và với toàn thể thế giới rằng: …“Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”... Và từ đó tới nay, Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu vì mục tiêu này. Chúng ta đã và đang giúp một số quốc gia kém phát triển hơn về công nghệ trồng lúa nước, công nghệ làm nông nghiệp...

Việt Nam đã có hàng loạt các chính sách với quan điểm không chờ đến khi kinh tế - xã hội phát triển mới thực hiện công bằng xã hội, mà thực hiện công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển kinh tế. Từ các văn bản quy phạm pháp luật được luật hóa đến các phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”; “Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em”… đều thiết thực hướng đến các quyền con người.

Cũng cần nói thêm rằng, ở Việt Nam có câu “Quốc có quốc pháp, gia có gia quy”. Điều đó có nghĩa là từ gia đình tới toàn xã hội, tất cả các thành tố trong xã hội Việt Nam dù là cá nhân hay tổ chức cũng đều phải chấp hành pháp luật Việt Nam. Việt Nam không chấp nhận những tổ chức, cá nhân lợi dụng các quyền con người để phán xét, bôi nhọ và kiên quyết xử lý theo pháp luật những tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam.

Tôi cho rằng không vì những vụ việc đơn lẻ mà chụp mũ, phủ nhận và dẫn tới đánh giá một cách thiếu công bằng, đi ngược lại những nỗ lực, những thành quả Việt Nam đã đạt được. Việt Nam có đủ tự tin với vị thế, uy tín, với nội lực có đường hướng được lãnh đạo thống nhất bởi Đảng Cộng sản Việt Nam để tiếp tục xây dựng và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

THÁI BÌNH