Việt Nam làm chủ kỹ thuật mới điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp
Phó Giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho biết ưu điểm rất lớn của kỹ thuật là đơn giản hóa, thời gian thực hiện được rút ngắn 50% so với các biện pháp triệt đốt rung nhĩ thông thường khác.
Ngày 31/11, các bác sỹ Viện Tim mạch Việt Nam đã thực hiện thành công ca can thiệp triệt đốt rung nhĩ sử dụng công nghệ tiên tiến là bóng áp lạnh (Cryo balloon) để cô lập các tĩnh mạch phổi. Đây là trung tâm tim mạch đầu tiên tại Việt Nam làm chủ kỹ thuật mới điều trị rối loạn nhịp tim phức tạp này.
Bệnh nhân là anh Ngô Bá L. 39 tuổi, bị rung nhĩ kịch phát từ năm 2021. Các cơn rung nhĩ thường xuyên xuất hiện gây nhiều triệu chứng đánh trống ngực, mệt mỏi. Bệnh nhân đã được các bác sỹ điều trị bằng thuốc chống rối loạn nhịp nhưng ngày càng đáp ứng kém.
Gần đây, các cơn rung nhĩ dày hơn và kéo dài làm bệnh nhân lo lắng nhiều, chất lượng cuộc sống giảm sút và đặc biệt bắt đầu xuất hiện các triệu chứng suy tim.
Trước những diễn biến nặng của rung nhĩ trên một người bệnh còn trẻ tuổi, Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam cùng với các chuyên gia rối loạn nhịp của Viện đã tiến hành hội chẩn và đưa ra chỉ định can thiệp điều trị rung nhĩ nhưng lần này sẽ sử dụng công nghệ mới là bóng áp lạnh để cô lập các tĩnh mạch phổi nhằm ngăn ngừa cơn rối loạn nhịp tái phát và vãn hồi chức năng tim bị suy giảm. Nếu thành công, thủ thuật sẽ giúp bệnh nhân có cuộc sống và sinh hoạt bình thường trở lại.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng cho biết kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ bằng bóng áp lạnh đã được thực hiện trên thế giới từ năm 2013 với tỷ lệ thành công cao và an toàn. Ưu điểm rất lớn của kỹ thuật là đơn giản hóa, thời gian thực hiện được rút ngắn 50% so với các biện pháp triệt đốt rung nhĩ thông thường khác.
Biện pháp này mang lại không chỉ hiệu quả về chuyên môn mà còn làm tăng sự thoải mái cho người bệnh và giảm gánh nặng công việc, nguy cơ chiếu tia X kéo dài với thầy thuốc.
Ngày 31/10, Tiến sỹ Phan Đình Phong - Trưởng phòng Điện sinh lý học tim (Viện Tim mạch Việt Nam) cùng êkip can thiệp đã thực hiện an toàn và thành công thủ thuật trong vòng 2 giờ, bệnh nhân phục hồi tốt.
Từ năm 2009, Viện Tim mạch Việt Nam đã triển khai thường quy kỹ thuật triệt đốt rung nhĩ bằng năng lượng sóng có tần số radio. Tuy nhiên thời gian thực hiện thủ thuật thường kéo dài 3-5 giờ. Kỹ thuật triệt đốt nhiệt lạnh giúp giảm thời gian thủ thuật xuống còn 1-2 giờ nhưng vẫn đảm bảo an toàn và có hiệu quả tương đương.
Việc các thầy thuốc tại Viện Tim mạch Việt Nam làm chủ được các kỹ thuật tiên tiến điều trị rung nhĩ đã mở thêm hy vọng và cơ hội cho các bệnh nhân Việt Nam. Người mắc rung nhĩ đã không cần phải ra nước ngoài chữa bệnh với chi phí cao hơn nhiều lần nay lại có thêm lựa chọn hợp lý hơn.
Phó giáo sư Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh với các trang thiết bị hiện đại, đội ngũ chuyên gia đầu ngành cũng như quy trình kĩ thuật đã được Bộ Y tế cho phép, Viện Tim mạch Việt Nam trong thời gian tới sẽ triển khai thường quy kỹ thuật mũi nhọn này và có kế hoạch đào tạo, chuyển giao tới các trung tâm tim mạch khác trên cả nước.
Thành công của kỹ thuật này của Viện Tim mạch Việt Nam cũng thêm khẳng định vị thế của ngành tim mạch Việt Nam trước thềm Đại hội khoa học Tim mạch Đông Nam Á (AFCC2023) lần thứ 27 từ ngày 2-5/11/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Với chủ đề: "Giao thoa tim mạch: Thách thức và Cơ hội," Đại hội sẽ đón tiếp trên 2.000 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có 300 chuyên gia tim mạch hàng đầu với vai trò diễn giả khách mời đến từ nhiều nền y học tiên tiến trên thế giới cũng như khu vực ASEAN.
Đây là một sự kiện quan trọng, mang tầm quốc tế của chuyên ngành tim mạch Việt Nam, là cơ hội tuyệt vời cho các thầy thuốc Việt Nam và trong khu vực có thể trao đổi, cập nhật và bổ sung các kiến thức, kỹ năng chuyên môn. Bên cạnh đó, Đại hội cũng là cơ hội lan tỏa những thông điệp sức khỏe đến người dân trong công cuộc phòng chống lại bệnh lý tim mạch đang gia tăng ở nước ta với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe tim mạch cho người dân Việt Nam.