Bị lừa bởi cán bộ giả?
Chuyện người dân bị kẻ giả mạo cán bộ lừa đảo cho thấy họ không chỉ thiếu hiểu biết, mất niềm tin vào bản thân mà còn mất niềm tin vào cán bộ và sự nghiêm minh của pháp luật.
Gần đây, thông tin về việc cụ ông, cụ bà hay một phụ nữ, một anh thanh niên ở đâu đó bị hoặc suýt bị lừa hàng trăm triệu đồng bởi đối tượng giả danh cán bộ công an, kiểm sát xuất hiện liên tục trên báo chí.
Ngay tại Hải Dương, trong tháng 10, có ít nhất 3 trường hợp ở Gia Lộc, 1 trường hợp ở Bình Giang đã được ngăn kịp thời để không rơi vào bẫy lừa đảo trên. Người ít nhất suýt mất 130 triệu đồng, người nhiều nhất suýt mất 650 triệu đồng. Tại TP Hải Dương cũng có người bị đối tượng lừa đảo gọi điện thoại “tung chiêu” như vậy.
Thủ đoạn của bọn lừa đảo không mới, đã từng được cơ quan công an nhiều lần cảnh báo. Chúng giả danh là cán bộ công an, kiểm sát, gọi điện thoại thông báo cho người dân rằng số điện thoại hoặc căn cước của họ đã được dùng để đăng ký một tài khoản ngân hàng nào đó và tài khoản này lại đang chứa nguồn tiền bất hợp pháp bị cơ quan chức năng điều tra. Để không bị dính líu, ảnh hưởng, cần chuyển hết tiền trong tài khoản đến một tài khoản ngân hàng mới do bọn chúng cung cấp và không được nói việc này với ai…
Nhiều vụ án được đưa ra xét xử trong thời gian gần đây cho thấy, đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ địa chính, người có chức, có quyền trong hệ thống cơ quan nhà nước để “chạy việc”, “chạy án”, làm “sổ đỏ”…
Đáng tiếc là, vẫn có không ít người sập bẫy của chúng.
Tôi nhiều lần tự hỏi, một người làm ăn chân chính, đàng hoàng khi nghe nói mình bị dính líu đến một vụ án hoặc việc làm ăn phi pháp nào đó mà mình không hề biết, không tham gia, thì phản ứng đầu tiên của họ là gì?
Nếu có niềm tin vào bản thân, có hiểu biết hẳn là họ sẽ không tin những gì kẻ giả mạo nói. Không tin nên sẽ phải tìm cách xác thực, làm rõ xem có đúng là mình có tài khoản ngân hàng như chúng nói hay không? Nếu có thì theo quy định của pháp luật, mình sẽ bị ảnh hưởng như thế nào? Đối tượng gọi điện thoại có đúng là công an hay kiểm sát viên ở đơn vị A, B, C… hay không?
Gặp phải người đủ tỉnh táo, lý trí và hiểu biết, kẻ lừa đảo sẽ không có cơ hội. Một đồng nghiệp của tôi mới đây khi nhận được cuộc gọi lừa đảo đã kiên trì nghe và vạch trần những mâu thuẫn, thông tin thiếu chính xác mà kẻ giả mạo cán bộ công an Hải Dương nói qua điện thoại, khiến đối tượng phải hậm hực cúp máy.
Thế nhưng trên thực tế, nhiều người không có đủ tự tin khi nhận được thông tin của bọn lừa đảo. Họ không những không tin bản thân mà còn không có niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, vào sự liêm chính của cán bộ. Đây mới là vấn đề đáng lo ngại, là cơ hội cho bọn lừa đảo lợi dụng. Hầu hết những người đã bị lừa hoặc suýt bị lừa đều tin rằng một khi vướng vào các vụ án, các câu chuyện làm ăn phi pháp thì nguy cơ cao là bị bắt để điều tra, thậm chí sẽ phải ngồi tù. Họ cũng tin rằng làm theo hướng dẫn của bọn lừa đảo thì sẽ có cơ hội "thoát tội". Tin vào thủ đoạn của bọn lừa đảo cũng có nghĩa là mất niềm tin vào cán bộ, mất niềm tin vào công lý.
Từ các vụ giả danh cán bộ để lừa đảo đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Đó là việc thông tin cá nhân bị lộ lọt, rơi vào tay bọn lừa đảo. Đó là việc nhiều ngân hàng chạy đua trong việc mở tài khoản dẫn đến tình trạng có người không nắm, không nhớ mình có bao nhiêu tài khoản ngân hàng, mở tài khoản nhưng không sử dụng tạo kẽ hở cho kẻ lừa đảo lợi dụng. Đó là việc tiêu cực trong các cơ quan nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật vẫn tồn tại là cái cớ cho các chiêu trò của bọn lừa đảo.
Chỉ tuyên truyền, cảnh báo thủ đoạn lừa đảo thôi chưa đủ. Cần giải quyết triệt để các vấn đề trên thì mới không còn người bị sập bẫy bởi cán bộ giả.