Đời sống văn hóa

Người trẻ Hải Dương giữ lửa nghệ thuật ca trù

LINH LINH 02/11/2023 11:00

Ca trù có giá trị đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống Việt Nam nhưng đang dần bị mai một. Ở Hải Dương hiện nay vẫn có những người trẻ đang cố gắng gìn giữ môn nghệ thuật truyền thống này.

img_3686.jpg
Những lớp học ca trù như thế này vẫn diễn ra vào chiều thứ ba hằng tuần ở Trường Tiểu học Dân Chủ (Tứ Kỳ)

Tình yêu với môn nghệ thuật truyền thống

Trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Phú Đa, xã Hồng Khê (Bình Giang), tiếng hát thánh thót của bài “Đào hồng đào tuyết” vang lên, kết hợp thanh âm trầm đục của đàn đáy, tiếng phách, tiếng trống. Hai chị em Trần Thị Thanh Trúc (16 tuổi) và Trần Thị Bạch Dương (12 tuổi) đang say sưa luyện tập những làn điệu ca trù cùng ông nội là Trần Văn Thả (67 tuổi).

img_3799.jpg
Ông Trần Văn Thả vẫn thường xuyên luyện tập ca trù cùng 2 cháu nội

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi bước vào ngôi nhà nhỏ của ông Thả là rất nhiều loại nhạc cụ được treo trên tường như đàn đáy, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tranh… Ông Thả chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc, giỏi hát chèo. Năm 2017, ông bắt đầu tìm hiểu và học thêm về ca trù. Lớn lên trong tình yêu âm nhạc dân tộc của ông, 2 chị em Trúc và Dương cũng hào hứng học ca trù từ đó.

Được học từ khi còn nhỏ, hai chị em tiếp thu và bắt nhịp rất nhanh. Cứ vào dịp hè, Trúc và Dương lại cùng ông tham gia lớp tập huấn nghệ thuật ca trù do Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh tổ chức.

“Nghe các bà, các cô hát ca trù thấy rất hay nên em muốn học. Mới bắt đầu tiếp xúc với nhịp phách và những lối hát cổ, em cũng thấy khó nhưng học qua 1 năm là quen", Bạch Dương chia sẻ. Năm 2018, cô bé Bạch Dương khi đó mới 7 tuổi được công nhận là ca nương nhỏ tuổi nhất tỉnh.

img_7908.jpeg
Thanh Trúc và Bạch Dương tham gia lớp tập huấn ca trù của tỉnh vào năm 2018 (ảnh do nhân vật cung cấp)

Ông nội gảy đàn, em út Bạch Dương gõ phách và hát chính, chị gái Thanh Trúc đánh trống và hát phụ. Cứ như vậy, ba ông cháu cùng nhau tham gia biểu diễn ở rất nhiều lễ hội trong và ngoài địa phương.

Ngoài những giờ học trên lớp, khi nào có thời gian hoặc chuẩn bị đi biểu diễn, ba ông cháu lại đem nhạc cụ ra tập luyện. Hai chị em Thanh Trúc, Bạch Dương mong muốn có thể gắn bó và phát triển nghệ thuật ca trù lâu dài.

Để tiếng ca trù còn vang mãi

Chiều thứ ba hàng tuần, tại phòng truyền thống của Trường Tiểu học Dân Chủ (Tứ Kỳ) lại vang lên những nhịp phách đều đều. Đây là lớp học ca trù do nhà trường tổ chức trong 10 năm nay để duy trì môn nghệ thuật truyền thống của địa phương. Giáo viên đứng lớp là ca nương Trương Thị Chiêm (cháu ngoại của Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Phú Đẹ - người được coi là “đệ nhất danh cầm” của ca trù) trực tiếp giảng dạy. Mỗi năm học sẽ có khoảng 40-60 em đăng ký học ca trù và được chia thành 3 lớp.

img_3708.jpg
Ca nương Trương Thị Chiêm trong một buổi lên lớp dạy ca trù cho học sinh

Chị Chiêm nhận lời mời về Trường Tiểu học Dân Chủ dạy ca trù bởi đây là cơ hội để chị gìn giữ di sản truyền thống này. Đó cũng là nỗi đau đáu của ông ngoại chị khi còn sống.

Mặc dù không được đào tạo nghiệp vụ sư phạm, nhưng với tình yêu dành cho ca trù và trẻ nhỏ, chị Chiêm đã lên kế hoạch giảng dạy bài bản, đưa ra những phương pháp dạy phù hợp để khơi gợi hứng thú học tập cho học sinh. Chị chia lớp thành các nhóm, những bạn lớp lớn, học tốt hơn sẽ giúp đỡ bạn mới học.

Những nhân tố hát tốt sẽ được lựa chọn tham gia biểu diễn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của trường, đi giao lưu cấp huyện, cấp tỉnh. Chị Chiêm cũng thường xuyên phối hợp với Câu lạc bộ Ca trù của xã Dân Chủ tổ chức cho học sinh được giao lưu, tăng cường kỹ năng hát và tham gia biểu diễn.

img_3737.jpg
Mới làm quen với ca trù, học sinh sẽ được hướng dẫn gõ phách, hát những giai điệu đơn giản

Những nhạc cụ để phục vụ dạy và học như thanh phách, đàn đáy, trống chầu, chiếu… đều được nhà trường trang bị đầy đủ. Để bắt đầu với bộ môn này, học sinh sẽ được hướng dẫn gõ nhịp phách, sau đó là kỹ thuật hát một số bài cơ bản, giai điệu dễ nhớ như hát ru, hát xẩm đôi dòng, sau đó mới nâng lên học hát nói.

“Hát nói là thể cách phổ biến trong hát ca trù. Hát ca trù cần có những kỹ thuật rung giọng, nảy hạt, ém hơn, luyến láy”, chị Chiêm thông tin.

Ông Nguyễn Bá Hưng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dân Chủ cho biết: “Nhà trường nhận thấy đây là di sản cần phải gìn giữ và phát huy nên đã đưa vào chương trình học tiết năng lực sở trường trong suốt 10 năm qua, đồng thời mời ca nương Trương Thị Chiêm về dạy. Nhà trường khuyến khích học sinh học ca trù, trong các chương trình văn nghệ luôn có tiết mục biểu diễn ca trù, động viên, khen thưởng các em kịp thời”.

Theo Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hải Dương, toàn tỉnh hiện còn duy trì được 6 câu lạc bộ ca trù. Để gìn giữ môn nghệ thuật này, trung tâm cũng thường xuyên tổ chức các lớp dạy ca trù hằng năm. Mỗi lớp thu hút khoảng 40 học viên tham gia học trong 1 tháng hè, trong đó có gần 10 học viên là học sinh.

Thế hệ trẻ ngày nay không còn nhiều người mặn mà với hát ca trù. Sự phát triển của văn hóa, âm nhạc hiện đại đang làm ca trù dần mất chỗ đứng. Nhìn vào những lứa học sinh đang say sưa theo học hát ca trù ấy để hy vọng rằng môn này sẽ không bị lãng quên và để thấy rằng thế hệ trẻ Hải Dương không quay lưng với nghệ thuật truyền thống.

LINH LINH