Giữa lòng TP Hải Dương đang vươn mình mạnh mẽ với nhịp sống hiện đại, hối hả vẫn lắng đọng qua những nét kiến trúc cổ, gợi nhớ về một thuở phố xưa.
Giữa lòng TP Hải Dương - đô thị loại I đang vươn mình mạnh mẽ với nhịp sống hiện đại, hối hả vẫn thấp thoáng những nét kiến trúc cổ, gợi nhớ về một thuở phố xưa.
Nhà cổ Pháp “vẽ” đô thị xưa
Đi qua con phố Phạm Hồng Thái, nhiều người vẫn ấn tượng với ngôi nhà cổ kiểu Pháp nổi bật với tông vàng ấm. Theo thời gian và sự thay đổi của thị hiếu, những ngôi nhà trên tuyến phố này cũng đổi kiểu cách, màu sắc, riêng chỉ có căn nhà số 85 vẫn nguyên kiến trúc xưa. Năm nay, ngôi nhà này tròn 120 tuổi và chủ nhân của nó là ông Tạ Mạnh Cường luôn trăn trở về việc bảo tồn, giữ gìn.
Khi nhắc tới ngôi nhà độc đáo, gắn bó với mình gần cả đời người, ông Cường vừa tự hào, vừa trầm ngâm. Căn nhà này do một địa chủ thuê người Pháp thiết kế và xây năm 1903. Sau nhiều biến cố lịch sử, những năm 50 của thế kỷ XX, ông bà của ông Cường thuê và sau đó mua lại của Nhà nước. Đến nay khi nhiều căn nhà cổ xung quanh đã được cải tạo, khoác "áo mới" để phục vụ kinh doanh, dịch vụ, chỉ riêng căn nhà của gia đình ông Cường dù nằm ở vị trí đắc địa thuận lợi cho kinh doanh nhưng ông vẫn luôn bảo vệ, giữ nguyên bản như xưa, bỏ qua cơ hội phát triển kinh tế cho gia đình. Ông hồ hởi khoe: “Có lẽ đây là căn duy nhất còn nguyên vẹn những giá trị của kiến trúc Pháp trên địa bàn thành phố. Từ vật liệu xây dựng đến hoa văn, họa tiết trang trí vẫn như thuở ban đầu. Năm 2015, tôi có tu sửa nhưng tôn trọng đường nét xưa. Vật liệu dùng vôi, cát và mật mía. Đắp chiếc lá trên cột bé bằng bàn tay cũng tỉ mỉ, công phu, mất 2 tuần”.
Để phù hợp với kiến trúc tổng thể ngôi nhà, nội thất bên trong cũng được ông Cường bố trí hài hòa, mang đậm nét hoài cổ. Đặc biệt, ông Cường đang sở hữu hơn 40 chiếc xe đạp Pháp cổ. Ông cũng đam mê sưu tầm, tìm kiếm những đồ vật mang đặc trưng của nước Pháp để điểm tô cho căn nhà nhuốm màu thời gian này.
Sau khi xâm chiếm Thành Đông vào năm 1883, người Pháp phá bỏ thành trì quân sự kiên cố và bắt đầu kiến thiết đô thị. Những ngôi nhà Pháp cổ được xây dựng và hình thành từ đây. Nó là biểu tượng cho sự phồn hoa, thịnh vượng của đô thị Hải Dương thời bấy giờ. Đặc trưng của những ngôi nhà Pháp cổ là các họa tiết đối xứng, mang tính mỹ thuật cao. Màu sắc chủ đạo là vàng, kem thể hiện sự vương giả, phồn thịnh. Hoa văn được trang trí cầu kỳ, tinh tế khiến cho công trình đồ sộ cũng trở nên mềm mại, cuốn hút.
Căn nhà Pháp cổ ở số 8 phố Bắc Kinh không chỉ là nơi chứa đựng đầy ắp kỷ niệm của gia đình ông Nguyễn Đức Thắng mà còn chứng kiến những thăng trầm lịch sử của mảnh đất Thành Đông. Hơn 100 năm đi qua, ngôi nhà vẫn vững chãi giữa phố phường đông đúc, tấp nập. Những nét kiến trúc Pháp cổ đặc trưng hiện hữu giữa lòng đô thị hiện đại thu hút nhiều người tới đây chụp ảnh. Gia đình ông cũng đón tiếp không ít kiến trúc sư tới khảo sát, tìm hiểu.
Điều ông Thắng hài lòng nhất ở ngôi nhà cổ này là mái trần vôi rơm, mát mẻ vào mùa hè, ấm áp trong mùa đông. Ngoài hoa văn trang trí độc đáo, đặc sắc ông cũng tâm đắc với thiết kế cửa vòm cầu kỳ và công năng sử dụng qua nhiều năm vẫn không hỏng hóc, phải sửa chữa. Hiện ngôi nhà này ông đã giao cho con trai quản lý và cũng mong muốn thế hệ sau sẽ tiếp tục lưu giữ, trân trọng giá trị vật chất, tinh thần.
Theo thời gian, những công trình mang phong cách Pháp cổ ở TP Hải Dương không còn nhiều, có ngôi nhà qua sửa chữa, cải tạo chỉ còn là những mảng kiến trúc chắp vá. Do đó cần phải có chương trình, chính sách bảo tồn lưu giữ giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa này.
Giữ hồn quê Việt
Nếu như khu vực trung tâm TP Hải Dương xưa nổi bật với nhà Pháp cổ thì vùng ven đô vẫn có hộ gìn giữ được ngôi nhà theo phong cách kiến trúc Việt xưa. Ông Đinh Văn Bàng ở khu 6, phường Việt Hòa luôn tự hào vì được thế hệ trước trao truyền ngôi nhà cổ kiến trúc đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Ngôi nhà cổ của nhà ông Bàng đã gần 110 tuổi, truyền qua 4 đời. Nhà được xây dựng theo kiến trúc lòng thuyền làm bằng gỗ lim xanh, trên lợp ngói đất nung. Họa tiết, hoa văn trang trí là cây cối, con vật gắn liền với làng quê Việt như hoa cúc, hoa rau muống, cá chép… Chính giữa ngôi nhà đặt ngai thờ, nhang áng, câu đối ở hai bên. Phía trên ngai thờ là bức hoành phi bằng chữ Hán Nôm: "Đầu Diệc Thế", nghĩa là người đứng đầu của một thế hệ, chữ nhỏ hơn ở bên cạnh là "Duy Tân Ất Mão xuân", tức là ngôi nhà được xây vào mùa xuân năm Ất Mão (1915).
Ngôi nhà cổ được ông Bàng trân trọng, nâng niu, gìn giữ từng chi tiết nhỏ. Với ông đây không chỉ thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, ông cha mà còn để giáo dục, dạy dỗ con cháu về thời kỳ đã qua. Hiện ngôi nhà vẫn được ông Bàng giữ nguyên bản, chỉ tu bổ để bảo vệ công trình.
Sau thời gian dài trăn trở, dò la tìm kiếm, ông Phạm Kim Quy ở khu dân cư Đỗ Xá, phường Tứ Minh cũng thỏa ước mong khi phục dựng được ngôi nhà Việt cổ ngay trên mảnh đất cha ông. Để dựng căn nhà này, ông phải cất công lên Thái Nguyên mua lại toàn bộ căn nhà Việt cổ ở đây rồi vận chuyển về TP Hải Dương. Ông cũng mất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc lần tìm các vật dụng xưa để bài trí cho ngôi nhà.
Nói về lý do dựng lại nhà cổ giữa lòng đô thị, ông Quy chia sẻ: “Có quá khứ mới có hiện tại nên tôi luôn muốn xây ngôi nhà Việt cổ để làm chốn đi về của con cháu”. Ngôi nhà cổ của ông Quy đều dùng các vật liệu xưa. Cách sắp xếp, bài trí, họa tiết, hoa văn cũng chuẩn chỉ như thời các cụ.
Là đô thị trung tâm của tỉnh, TP Hải Dương ngày càng văn minh, hiện đại với những căn nhà cao tầng san sát. Xen giữa nét hiện đại ấy, những nếp nhà cổ mang đậm giá trị lịch sử sẽ nhắc nhớ người dân về từng thời kỳ phát triển của Thành Đông để thêm hãnh diện, tự hào.
Nội dung: NGUYỄN MƠ - NGUYỄN LAN
Ảnh: THÀNH CHUNG
Đồ họa: HÀ KIÊN